Dấu hiệu nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến ở nước ta và ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh

Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến ở nước ta và ngày càng có xu hướng gia tăng trẻ hóa, độ tuổi phổ biến là từ 30-60 tuổi. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh gây đau cột sống.

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ, do các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng vòng bao xơ chưa rách. Người bệnh có thể thỉnh thoảng bị tê tay, tê chân, không đau nhức nên hầu hết không ai phát hiện mình đang mắc bệnh.

Giai đoạn 2: Vòng xơ rách một phần, nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngay chỗ vòng xơ bị suy yếu, đĩa đệm phình to, tuy nhiên cơn đau vẫn chưa rõ ràng.

Giai đoạn 3: Vòng xơ rách toàn phần, nhân nhầy lồi ra ngoài và chèn ép rễ thần kinh. Đa số khi đến giai đoạn này, người bệnh mới bắt đầu điều trị khi đã trải qua sự hành hạ của các cơn đau.

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh diễn ra lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm. Cơn đau nhức dữ dội và dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh.

Một số dấu hiệu thoát vị đĩa đệm bao gồm:

Đau thắt lưng

Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, người bệnh sẽ xuất hiện những cơn đau đột ngột dữ dội hoặc âm ỉ liên tục, đau buốt từng cơn ở vùng thắt lưng.

Cơn đau gia tăng khi vận động

Khi người bệnh nghỉ ngơi cơn đau có thể tạm thời biến mất. Tuy nhiên, vận động mạnh hay thậm chí chỉ là khi ho, hắt hơi, nằm nghiêng cũng khiến cho cơn đau gia tăng. Hơn nữa, mỗi khi ngồi hoặc đứng quá lâu cũng sẽ gây đau đớn.

Cơn đau lan rộng

Khi bệnh đã trở nặng, cơn đau không chỉ dừng lại ở vùng thắt lưng mà còn lan rộng xuống vùng mông, mặt trước và mặt sau đùi, gây cảm giác tê bì phần mu bàn chân.

Giảm khả năng hoạt động

Thoát vị đĩa đệm cột sống lưng có thể khiến người bệnh không ưỡn cong lưng hoặc cúi người xuống được; chân tay yếu hơn bình thường, khó khăn khi cầm nắm đồ vật và khả năng vận động bị hạn chế. Ngoài ra, người bệnh cũng có khả năng không thể đứng thẳng mà bị vẹo về một bên để chống đau. Trường hợp đau nặng, bệnh nhân phải nằm bất động một bên khi ngủ cho đỡ đau.

Mất kiểm soát cơ thể

Mất kiểm soát cơ thể xảy ra khi phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát vị, đẩy ra bên ngoài và chèn ép lên dây thần kinh, khiến người bệnh không thể tự chủ tiểu tiện, đại tiện, rối loạn cảm giác thậm chí là bị teo cơ, bại liệt,…

Theo Đời sống
back to top