Đau bụng ngày đèn đỏ và cách chữa

Chứng hành kinh đau bụng có nhiều nguyên nhân và triệu chứng đau. Có trường hợp chuẩn bị hành kinh bắt đầu đau khi kinh ra thì hết đau, có trường hợp đau suốt cả kỳ kinh cho đến khi hết kinh mới thôi...

Thực chứng

Thường do phong hàn xâm nhập vào bào cung và hai kinh mạch xung, nhâm. Triệu chứng, bệnh thường phát ra trước khi hành kinh, bụng đau dữ dội, lưng đau như muốn gãy, bụng đầy trướng nhưng không muốn xoa bóp. Khi đã hết kinh thì các triệu chứng cũng tự hết.

Điều trị: Khu phong tán hàn ôn kinh. Bài thuốc  Ôn kinh thang gồm đương qui 8g, xuyên khung 6g, bạch thược 12g, quế tâm 6g, cam thảo 4g, nga truật 8g, nhân sâm 12g (nếu dùng đảng sâm 24g) ngưu tất 8g, đan bì 8g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

Nếu do can khí uất kết bên trong, cơ thể bị tổn thương, tình chí không ổn định, người mệt mỏi. Triệu chứng, đau bụng lan tỏa ra hai bên mạn sườn, đau ran đến thắt lưng, thậm chí đau nhói lên đầu, mạch trầm trì.

Điều trị, bình can bổ hư, điều kinh giảm đau. Bài thuốc Huyền hồ sách thang gồm huyền hồ sách 12g, đương qui 8g, xuyên khung 8g, nhục quế 6g, mộc hương 6g, chỉ xác 8g, xích thược 8g, đào nhân 8g, thục địa 12g, sinh khương 12g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

Nếu bệnh nhân mạch huyền sác bỏ nhục quế, đương qui. Gia sài hồ 8g, bạc hà 6g, đan bì 8g. Nếu có hiện tượng ứ huyết không thông lợi, huyết có màu bầm tím dùng bài  Thông ứ tiễn để điều trị.

Hư chứng

Do khí hư huyết hư. Triệu chứng, bệnh thường phát sinh sau khi hành kinh, bụng đau liên miên, thích xoa bóp, lượng kinh ít, màu huyết nhợt.

Điều trị, bồi bổ trung khí, bổ huyết để sinh huyết mới. Bài thuốc Bổ trung ích khí thang gồm hoàng kỳ 20g, nhân sâm 16g, bạch truật 16g, đương qui 12g, thăng ma 8g, sài hồ 6g, trần bì 8g, chích cam thảo 8g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

Nếu do dương hư bệnh nhân sợ lạnh, tay chân lạnh dùng bài Tiểu kiến trung thang gồm quế chi 12g, bạch thược 24g, cam thảo 8g, sinh khương 12g, đại táo 12g, di đường 50g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

TTND. BSCC Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top