Đắp thuốc
Phương huyệt chủ yếu: Là huyệt dũng tuyền, huyệt này còn có một số tên gọi khác như địa xung, quệ tâm, quyết tâm, địa cù...
Vị trí và tác dụng của huyệt: Theo Y học cổ truyền phương Đông, dũng tuyền thuộc kinh túc thiếu âm thận, là sự khởi nguồn của kinh khí; thận có quan hệ biểu lý với bàng quang. Dũng tuyền là một trong những tam tài (Thiên – Địa- Nhân), trong đó dũng tuyền là địa, đản trung là nhân, bách hội là thiên, vị trí nằm ở giữa lòng bàn chân. Người ta thường xác định huyệt ở vị trí 1/3 trước của đường thẳng đi dọc qua gan bàn chân, có tác dụng kích thích, nâng cao chính khí của tạng thận.
Cách tác động vào huyệt: Ngoài việc đắp thuốc vào huyệt, kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy có thể ôn châm hoặc cứu huyệt vị này và phối hợp với một số huyệt khác để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
Phương thuốc chủ yếu:
Bài 1: Thường dùng quả chín hay phơi khô của cây thuốc ngô thù du để làm thuốc. Tại Trung Quốc, thù du có ở nhiều nơi, nhưng mọc ở đất Ngô thì tốt hơn nên người xưa gọi là ngô thù du để phân biệt thù du ở các địa phương khác. Theo GS Đỗ Tất Lợi, cây thuốc này đã được phát hiện ở Hà Giang, nhân dân vùng này gọi là cây xà lạp, dùng chữa đau bụng, nóng sốt...
Theo Đông y, ngô thù du có vị cay đắng, tính ôn, hơi độc, vào 4 kinh can, thận, tỳ và vị. Có tác dụng ôn thận khí. Dân gian còn dùng để chữa chứng ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau bụng, cước khí, tiêu chảy, đau đầu, đau nhức mình mẩy, chân lưng yếu, đau răng, lở ngứa...Liều dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc 1 – 3g dưới dạng thuốc bột, chia 3 – 4 lần uống trong ngày. Tài liệu cổ có nêu, nếu không phải hàn thấp chớ nên dùng.
Theo y học hiện đại, ngô thù du có chứa những hoạt chất như tinh dầu và một số alkaloid như evodimin, rutacaecacpin, wuchuyin...
Ngô thù du đem giã mịn, trộn với giấm thanh thành dạng hồ đặc.
Bài 2: Thủy tiên 1 giò, hạt thầu dầu 30 hạt, đem giã nát
Bài 3: Quả xộp tươi 2 – 3 quả, giã nát.
Cách làm: Dược liệu đem giã nát, băng đắp vào huyệt dũng tuyền. Cách thực hiện: Dùng lá tươi (lá chuối, lá bàng, lá sen...) cắt thành miếng nhỏ 7 x 7 cm, phết dược liệu thành một lớp mỏng trên mặt lá. Đắp lá thuốc nói trên vào huyệt dũng tuyền. Sau đó dùng băng vải hoặc băng dính cố định lại miếng thuốc, ngày đắp 1 lần. Nên đắp thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Vị thuốc ngô thù du, quả xộp có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng thuốc Bắc với chi phí khá thấp.
Ngâm mông nước nóng và xoa bóp tầng sinh môn
Tầng sinh môn có vị trí nằm giữa gốc bìu và hậu môn. Tiền liệt tuyến có vị trí nằm ngay sau tầng sinh môn. Nếu xoa bóp tầng sinh môn cũng có tác dụng làm tăng lưu thông máu ở tiền liệt tuyến. Các thầy thuốc Pháp cũng đã từng khuyến cáo cho bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến nên xoa bóp vùng tầng sinh môn.
Nên kết hợp với việc ngâm toàn bộ vùng mông vào chậu nước nóng ấm có tác dụng làm giãn nở mạch máu vùng chậu hông, làm cho máu lưu thông tốt hơn ở tiền liệt tuyến.
Đắp thuốc, ngâm nước và xoa bóp là phương pháp đơn giản, bệnh nhân có thể tự áp dụng dễ dàng. Nên phối hợp với các phương pháp khác như dùng thuốc Đông y dưới dạng thuốc sắc, châm cứu bấm huyệt. Nếu cần thiết, vẫn nên dùng các thuốc Tây y để đạt được mục tiêu trước mắt.
TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh (Phó chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm)