Quy định thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm phải cao từ 1.5mm trở lên của ĐH Sư phạm TP HCM nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo các chuyên gia, đối với giáo viên, yếu tố quan trọng nhất là năng lực, phẩm chất, nhưng hình thức cũng quan trọng không kém.
Tuyển giáo viên không phải người mẫu!
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm nay. Theo đó, trường quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên…
Đây là trường hợp hiếm hoi đặt ra các quy định kèm theo trong tuyển sinh ngành sư phạm. TS Nguyễn Tùng Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh, được phép đặt ra các quy định cụ thể cho từng ngành học. Do đó, việc yêu cầu thí sinh dự tuyển phải cao trên 1,5m là đúng với quy định. Tuy nhiên, đúng là việc xét tuyển giáo viên không phải là tuyển người mẫu. Thực tế có rất nhiều giáo viên có hình thức xấu, thậm chí là có cả những giáo viên là người khuyết tật, nhưng trình độ lại rất cao, được rất nhiều học sinh yêu mến, kính trọng và khả năng truyền đạt kiến thức rất tốt.
“Việc trường ĐH Sư phạm TP HCM đặt ra quy định như vậy để thấy là yêu cầu đầu vào của sinh viên sư phạm đã được đưa ra cao hơn so với trước đây. Việc tuyển sinh là việc rất quan trọng, không làm qua loa được. Tuy nhiên việc quy định về hình thức cần phải cân đối với năng lực. Người có trình độ, tâm huyết với nghề, yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt thì dù hình thức có xấu cũng sẽ cần được nhận. Yếu tố hình thức chỉ nên là yếu tố để tham khảo. Giả sử trường hợp có thí sinh chỉ cao 1,49m nhưng lại rất giỏi, rất yêu nghề giáo, trong khi một thí sinh cao 1,60m chỉ bình thường thôi, thì có lẽ chọn thí sinh cao 1,49m vẫn là hợp lý hơn cả”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Có cả hình thức đẹp thì tốt quá!
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cùng chung nhận định rằng hình thức của giáo viên rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức đến học trò. Đơn giản nhất là giọng nói, tác phong, áo quần, giày dép… Nếu giáo viên đạt được những tiêu chí này ở mức cao thì chắc chắn hiệu quả giảng dạy cũng sẽ cao hơn, thu hút sự chú ý của học trò hơn và từ đó thì việc truyền thụ kiến thức cũng sẽ tốt hơn.
GS Phạm Minh Hạc cho biết, cách đây mấy chục năm, khi ông sang Tiệp Khắc công tác đã thấy họ đặt ra những tiêu chuẩn về hình thức khi tuyển dụng giáo viên. Tất nhiên, yếu tố ưu tiên vẫn là trình độ tay nghề, đạo đức nhà giáo, nhiệt huyết với nghề, nhưng hình thức cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Giáo viên hàng ngày đứng trên bục giảng, tiếp xúc với nhiều học sinh, rồi phụ huynh học sinh. Nếu có được hình thức đẹp, cùng với tri thức phong phú, tình yêu nghề nữa thì quá hoàn hảo. Việc quan tâm đến hình thức trong xét tuyển giáo viên cũng là một điều đáng hoan nghênh, không nên phản bác. Bởi nếu ai đã từng có kinh nghiệm làm trong ngành giáo dục thì sẽ thấy hình thức có vai trò thế nào trong bài giảng mỗi ngày.
“Nói như thế không có nghĩa là kỳ thị người có hình thức xấu. Rất nhiều người xấu nhưng lại tài năng và tâm huyết, được nhiều học trò yêu mến. Với những trường hợp này thì nên có cơ chế xét tuyển đặc biệt chứ không nên áp dụng một cách cứng nhắc về hình thức để lãng phí những người có tài năng và tâm huyết”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Chia sẻ trên báo chí, TS Nguyễn Thị Minh Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết, quan điểm của nhà trường là tiếp thu và điều chỉnh các điều kiện tuyển sinh cho phù hợp. Sáng 14/2, nhà trường đã cho gỡ điều kiện chiều cao khỏi đề án tuyển sinh dự kiến của trường.