“Ngay từ nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đã xác định lương của giáo viên phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương. Tuy nhiên, một chủ trương rất đúng đắn, nhân văn đó hai chục năm nay chưa triển khai được”, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ.
Lương đủ sống thì mới có thể chuyên tâm vào nghề
Lương giáo viên không đủ sống luôn là câu chuyện nhức nhối của ngành giáo dục, đặc biệt khi so sánh với nước ngoài. Theo ông đánh giá, hiện mức lương giáo viên của chúng ta đang ở mức như thế nào?
Thực ra về nguyên tắc, thì phải so sánh trên một mặt bằng chung. Chúng ta rất khó để so sánh lương của giáo viên hay bất cứ một ngành nghề nào đó ở Việt Nam với Mỹ hay Singapore… mà chúng ta phải so sánh trong tương quan với các ngành nghề khác ở Việt Nam.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên của chúng ta được xác định là viên chức và theo tôi, thang bảng lương xếp theo ngạch viên chức cùng với phụ cấp đặc thù. Tuy nhiên, nhiều ngành khác cũng có phụ cấp đặc thù; và thang bảng lương của giáo viên lại được xếp theo trình độ đào tạo. Một số bậc học có trình độ đào tạo không cao nên mức lương là thấp, ví dụ như giáo viên bậc học mầm non. Nói chung thu nhập của giáo viên ở mức trung bình thấp trong thu nhập chung của hệ thống công chức, viên chức, tính cả những phụ cấp đặc thù...
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. |
Với những ngành liên quan tới an sinh xã hội như y tế hay giáo dục, mà lương không đủ sống được cho là nguồn cơn dẫn tới những tiêu cực. Quan điểm của ông thế nào?
Ngay từ nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đã xác định lương của giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Tuy nhiên, một chủ trương rất đúng đắn, nhân văn đó hai chục năm nay chưa triển khai được.
Đây là một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, vì ngành giáo dục có đặc thù: sản phẩm tạo ra là những chủ nhân tương lai của đất nước, trách nhiệm của giáo viên rất nặng nề và nhiều áp lực. Họ cần được hưởng những đãi ngộ xứng đáng có thể yên tâm dốc toàn tâm, toàn sức cho sự nghiệp.
Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Tôi cho là có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi, chủ yếu vẫn là do chúng ta chưa quyết liệt thực hiện, dù có cả nghị quyết ra rồi.
Thầy không giỏi thì không có trò giỏi
Có câu nói thế này: Giáo dục một người đàn ông, ta chỉ được một người đàn ông; giáo dục một người đàn bà, ta được một gia đình; giáo dục một người thầy, ta được một thế hệ. Chế độ lương thấp, khó xin việc khi ra trường… dẫn tới việc khó thu hút được những người giỏi vào trường sư phạm. Từ đó đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có thể có được những trò giỏi? Ông suy nghĩ gì về điều này?
Tôi rất tán đồng quan điểm, người thầy có vai trò quyết định trong chất lượng giáo dục. Thầy mà không giỏi thì không thể có trò giỏi, không thể có kết quả giáo dục tốt. Trong khi đó, thầy giỏi lại liên quan đến hai yếu tố: một là quá trình đào tạo trong các trường sư phạm, nhưng yếu tố quan trọng hơn là “có bột mới gột nên hồ”, tức là bản thân sinh viên của các trường sư phạm đầu vào phải tốt.
Thực tế, năm 2018, điểm đầu vào của các trường thuộc khối lực lượng vũ trang, đặc biệt là các trường công an cao tới 29, 30 điểm. Vì sao vậy? Đó là vì sinh viên các trường này được Nhà nước nuôi toàn bộ, sau khi ra trường được bố trí công việc phù hợp chuyên môn, lương cũng cao hơn so với mặt bằng chung.
Tôi cho rằng đây là một kinh nghiệm rất quý để ngành giáo dục phải nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, tạo ra những cơ chế hấp dẫn nào đó với sinh viên các trường sư phạm. Từ đó, tạo ra được một thế hệ giáo viên giỏi, đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của giáo dục.
Điều đó có khó không, thưa ông?
Không chỉ là khó mà là rất khó, vì thế mà mấy chục năm chưa thực hiện được. Tôi rất chia sẻ với khó khăn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Và trong nền kinh tế thị trường, việc cung cầu lao động không chỉ phụ thuộc vào Nhà nước mà phụ thuộc, thậm chí phần lớn vào thị trường. Nhưng không phải là không có giải pháp.
Ví dụ, giao nhiệm vụ hoặc là đặt hàng cho các trường sư phạm, đào tạo phù hợp với cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động của các địa phương, từ đó có thể đào tạo theo đơn đặt hàng từ các địa phương, bố trí được việc làm…
Về lương, có thể không xếp nhà giáo trong đội ngũ viên chức chung mà có thang bảng lương riêng cho họ...
Vừa rồi, dự thảo luật giáo dục sửa đổi có đề xuất bỏ việc miễn phí, thay vào đó là hỗ trợ tài chính tín dụng cho sinh viên các trường sư phạm. Nếu sinh viên ra trường cam kết làm đúng ngành, trong thời gian nhất định thì không phải trả khoản tín dụng đó nữa. Tôi cho đây là một giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay, tăng sự ràng buộc của sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là đảm bảo được đầu ra cho sinh viên và cơ chế lương, đãi ngộ xứng đáng. Có như vậy, mới đủ sức hút người giỏi vào sư phạm.
Không thể đổ lỗi hết cho giáo dục
Trong khi chờ những cơ chế, đổi mới, giáo viên có thể tự cải thiện cuộc sống của mình bằng việc dạy thêm hay không? Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Tôi cho rằng, bản thân của việc dạy thêm, học thêm không phải là xấu, nếu như đó là nhu cầu tự thân của người học. Bởi vì, các đối tượng học sinh rất khác nhau. Những học sinh học chưa tốt thì cần có nhu cầu được bồi dưỡng; hoặc bồi dưỡng các môn năng khiếu, kỹ năng… Kể cả ở các nước phát triển, việc học thêm cũng là chuyện bình thường.
Cái đáng lên án, là sự lạm dụng việc này. Ví dụ, có những bậc phụ huynh, con mình không cần phải học thêm, nhưng theo phong trào, hoặc đặt cho con những yêu cầu cao, nên cũng bắt con đi học thêm.
Hoặc những giáo viên, học sinh không có nhu cầu nhưng có các hành vi tác động, bắt ép các em đi học thêm… thì những điều đó cần lên án. Những việc làm như vậy, nó liên quan tới đạo đức nghề nghiệp. Nhưng cũng xuất phát từ mức lương thấp như tôi đã nói.
"Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học", danh ngôn. Ảnh minh họa. |
Tôi cho rằng, giáo dục là một loại hình dịch vụ xã hội đặc biệt, không thể thương mại hóa. Bản thân nhà trường, các thầy cô giáo phải ý thức được trách nhiệm, vai trò quan trọng của mình đối với xã hội để có ứng xử phù hợp, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp thì đương nhiên sự nhìn nhận của xã hội, phụ huynh, học sinh sẽ khác. Còn nếu không, thì ngược lại.Và nó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh về thầy cô giáo đã không còn được đẹp đẽ trong mắt học trò? Và nghề giáo mất đi sự tôn quý? Ông có suy nghĩ gì về mối quan hệ thầy – trò trong thời kinh tế thị trường?
Gần đây, trước bất cứ một vấn đề mặt trái nào của xã hội, thì nhiều người cho rằng là do giáo dục mà ra. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cho rằng, đánh giá như vậy là không thực sự khách quan. Bởi kết quả giáo dục phải đòi hỏi ở cả 3 chủ thể: gia đình, nhà trường và xã hội.
Giáo dục nhà trường có vai trò quan trọng, nhưng quá trình hình thành nhân cách thì không chỉ là ở nhà trường mà cả từ xã hội và gia đình. Thậm chí, sự rèn giũa của gia đình đối với mỗi người từ tấm bé còn quan trọng hơn cả giáo dục nhà trường. Chính vì thế mà không thể đổ lỗi hết cho nhà trường về tất cả những xuống cấp về đạo đức, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.
Trân trọng cảm ơn ông!