Đạo diễn Lê Quý Dương: Festival Ninh Bình câu chuyện di sản hấp dẫn

Festival Ninh Bình - Tràng An kết nối di sản lần đầu tiên sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 17 - 19/11 tại Ninh Bình. Theo Đạo diễn Lê Quý Dương, đây sẽ là một chương trình đặc biệt, đậm đặc những lễ hội hấp dẫn của lịch sử, di sản, văn hóa cả nghìn năm xuyên suốt nhiều triều đại...
Đạo diễn Lê Quý Dương.

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Đậm đặc tinh hoa di sản

Chào đạo diễn Lê Quý Dương! Với vai trò Tổng đạo diễn, anh có thể cho biết những nét đặc sắc của Festival Ninh Bình - Tràng An lần đầu tiên là gì?

Đạo diễn Lê Quý Dương: Với chủ đề kết nối di sản “Hoa Lư vang mãi ngàn năm”, lễ hội sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, góp phần quảng bá tinh hoa di sản của nhiều tỉnh, thành phố, giúp Ninh Bình kết nối với các địa phương trong nước. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình. Trong lễ khai mạc sẽ giới thiệu những nét di sản đặc trưng của Ninh Bình và các tỉnh, thành theo chủ đề: Di sản Ninh Bình, Di sản Thăng Long – Hà Nội, di sản vùng Bắc Bộ, di sản vùng Trung Bộ, di sản Tây Nguyên, di sản Nam Bộ và tiết mục chào mừng các đoàn quốc tế.

Một sân khấu diễn lớn được chuẩn bị phục vụ trên dưới 10.000 khán giả. Hàng nghìn nghệ sĩ, biên đạo, diễn viên nổi tiếng từ khắp cả nước sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc, hoành tráng, đậm chất văn hóa, di sản như: Xẩm nguyên bản truyền thống về vua Đinh Tiên Hoàng (thơ Trần Đình Ngôn); Trình diễn Trống nhảy Kim Sơn; Giá hát văn: “Cô bé Thượng ngàn” (Nam Định); Trò Xuân Phả di sản xứ Thanh; “Lục cúng Hoa Đăng” (Huế); tái hiện di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

Di sản Tam Cốc - Ninh Bình.

Di sản Tam Cốc - Ninh Bình.

Một chương trình đậm chất di sản như vậy có cần tham vấn nhiều chuyên gia khoa học lịch sử không thưa ông?

Tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia văn hóa. Tuy nhiên, chương trình lần này là kết nối di sản các vùng miền nên các tiết mục từ địa phương trong cả nước đem đến trình diễn đều đã được trình duyệt, thẩm định kỹ càng bởi các nhà sử học, các chuyên gia văn hóa, nghệ nhân tại địa phương. Bản thân tôi là Tổng đạo diễn cũng chỉ góp ý điều chỉnh cho phù hợp với chương trình chứ không dám chỉnh sửa.

Với sự tham gia của hơn 13 tỉnh thành trên địa bàn cả nước về tham dự festival lần này, tôi đã chủ động chọn phương pháp tôn trọng và giữ nguyên bản các tiết mục của từng tỉnh thành về tham dự festival như những hạt nhân cốt lõi của từng tiết mục, qua đó cố gắng giữ được tính nguyên gốc, mộc mạc và độc đáo, đa dạng của các giá trị di sản được giới thiệu tại festival.

Kết nối di sản với giới trẻ

Nhắc đến di sản, người ta thường cho rằng có gì đó cũ kỹ, buồn chán, ông nghĩ sao? Đừng lo ngại tổ chức Festival di sản là nhàm chán, xưa cũ. Làm di sản rất thú vị, số lượng di sản rất đặc sắc và rất lớn nên nó tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng rất lớn.

Mục đích là kết nối: kết nối xưa và nay, kết nối các di sản, kết nối truyền thống với hiện đại nên thiết kế Festival là trung tính, hiện đại và mang tính tổng thể. Mô hình sân khấu 3D được tạo riêng cho từng tiết mục, rất đặc sắc và mang dấu ấn riêng. Tôi đã tham vấn các chuyên gia về di sản như Phan Thanh Hải để đưa ra những tư vấn cho Festival này. Nhóm nghệ sĩ dàn dựng chính của Festival gồm biên đạo múa NSND Hồng Phong; Nhạc sĩ, NSƯT Hồ Trọng Tuấn. Bên cạnh những hoạt động lễ hội di sản, có nhiều hoạt động văn hóa khác giao lưu kết nối dành cho giới trẻ...

Hiện nay có nhiều lễ hội và ông cũng từng đạo diễn rất nhiều Festival. Vậy sự khác biệt của Festival Ninh Bình là gì?

Bản chất Festival Ninh Bình khác với Festival Huế và các Festival khác ở chủ đề đến cách thể hiện. Ở Huế có 3 lớp di sản tiêu biểu: Cung đình, Tâm linh, Dân gian với các làng nghề và cộng với việc kết nối các chương trình quốc tế mang tính mở. Festival Huế làm chỉ tập trung về di sản Huế thôi. Còn tại Festival Ninh Bình là câu chuyện là kết nối di sản. Tràng An mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Rất dung dị, không đao to búa lớn. Không phải đây là Festival của riêng Ninh Binh để tôn vinh di sản Ninh Bình mà Ninh Bình chỉ là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản các tỉnh thành, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau.

Vẻ đẹp di sản văn hóa Tràng An - Ninh Bình.

Vẻ đẹp di sản văn hóa Tràng An - Ninh Bình.

Đây là Festival Ninh Bình – Tràng An đầu tiên. Điều đó nghĩa là chương trình sẽ thường xuyên trong tương lai?

Tỉnh Ninh Bình dự định sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phát triển thành một Festival Di sản Quốc gia và Quốc tế. Festival Ninh Bình sẽ trở thành một thương hiệu văn hoá di sản của quê hương Ninh Bình.

Xin cảm ơn đạo diễn!

Đạo diễn Lê Quý Dương được mệnh danh là “phù thủy sân khấu Việt”. Ông đã lập 6 kỷ lục Việt Nam cho các chương trình sự kiện và có hơn 20 năm kinh nghiệm làm lễ hội. Tên tuổi của ông là một "bảo chứng" thành công với hàng loạt chương trình đã tổ chức như: "Đêm Hoàng cung" (2006), "Huyền thoại Sông Hương" (2008), "Hành trình mở cõi" (2010), "Thiên hạ Thái Bình" (2012); hay các Festival lớn như Festival Võ cổ truyền Quốc tế (Bình Định); Festival Dừa (Bến tre); Festival Gốm (Bình Dương); Festival Cà Phê (Đắk Lắk); Festival lúa gạo (Sóc Trăng); Festival Đờ Ca Tài tử (Bạc Liêu); Festival Biển (Nha Trang); Festival Di sản Đông Dương (Quảng Nam)…

Theo Đời sống
back to top