Đắk Lắk: Dân điêu đứng vì “cò” thổi giá đất

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người có nhu cầu đất ở tại Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) lo lắng, khi giá đất có những biến động bất thường theo chiều hướng ngày càng tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tăng gấp đôi

Thực tế từ đầu năm đến nay, giá đất tại trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột và một số vùng lân cận tăng từng ngày, sôi động đến mức nhiều người đua nhau lao vào làm "cò" đất, ngồi quán cà phê nào cũng nghe bàn chuyện buôn bán đất. 

Khắp các nơi trong thành phố, dọc các tuyến đường chính, đâu đâu cũng thấy những tờ rơi dán trên cột điện, tường rào, thân cây… để quảng cáo, giới thiệu bán đất. Khi có thông tin về một người nào bán đất, lập tức các "cò" tìm tới, nhiều khi chủ nhà phải tiếp một lúc 3-4 "cò".

Theo những người trong giới kinh doanh bất động sản, hai khu vực hiện có biến động nhiều về giá hiện nay tại Thành phố Buôn Ma Thuột là khu vực xã Ea Tu và xã Cư Êbur. Giá đất khu vực xã Cư Êbur, nhất là ở các trục đường A tăng khá cao do gần vị trí khu đô thị cà phê Buôn Ma Thuột đang được Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đầu tư xây dựng. Còn tại xã Eatu, giá đất tăng cao là do tin đồn về một số dự án bệnh viện, trường đại học trong tương lai và tuyến đường tránh quốc lộ 26-14 sắp được khởi công, nâng cấp mở rộng.

Anh Nguyễn Ngọc Dương (một người dân sống lâu năm tại xã Ea Tu) cho biết, nếu đầu năm 2018, đất quanh khu vực UBND xã Ea Tu chỉ có giá khoảng 60 triệu đồng/m ngang thì nay các chủ đất đang rao bán với giá 120 triệu đồng/m ngang, đỉnh điểm có khi lên đến 160 - 180 triệu đồng/m ngang. Không chỉ riêng đất ở, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng tại khu vực này cũng được ra giá từ 60–70 triệu đồng/m ngang.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực xã Cư Êbur, gần như chỗ nào còn đất trống đều có biển rao bán đất. Trong vai một người đi mua đất, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại 09140530xx, rao bán đất thổ cư, diện tích 6x17m giá 650 triệu đồng, gắn trên thân cây, một người đàn ông cho biết, lô đất này vừa mới bán cách đây một ngày và giới thiệu lô đất khác cách đó vài trăm mét với giá 1,1tỷ đồng. Khi bị hỏi vặn, tại sao cùng một diện tích, chỉ cách nhau bài trăm mét mà giá lại tăng gấp đôi? - ông này phân trần: “Tôi nghĩ khi tới khu vực này, các anh cũng đã nắm giá. Giờ làm gì còn giá 650 triệu đồng, chẳng qua gắn bảng như vậy là để có khách liên hệ thôi”.

Tại các trục đường A4, A5, A7 (xã Cư Êbur), người dân địa phương cho biết, nếu cuối năm 2017, giá 1m ngang chỉ có giá khoảng 70-90 triệu đồng, tháng 3-4 năm 2018 vọt lên thành 120 triệu đồng, mới đây tăng lên khoảng trên dưới 180-190 triệu đồng. Đáng chú ý là có rất nhiều người mua đất không phải để ở mà chỉ chờ lên giá là bán sang tay.

Tình trạng giá đất bị thổi lên cao cũng do nạn “cò” hoành hành làm cho người dân có nhu cầu thật về đất ở không biết đâu là giá thật, nếu không nghiên cứu, tìm hiểu kỹ rất dễ dàng rơi vào bẫy. Bởi hầu hết khi liên lạc với số điện thoại đề trên các tấm biển quảng cáo bán đất (kể cả khi cắm ngay vị trí đất) thì người mua gần như không gặp được chủ đất mà chủ yếu là “cò”.

Cò được, dân thiệt

Chị Trần Thị Kim Nhung, ngụ tại phường Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết:  “Vợ chồng tôi tích lũy được vài trăm triệu, dự định để mua miếng đất nhỏ xây nhà cho con trai mới cưới vợ, ra riêng. Nhưng bây giờ thì khó quá vì giá đất mỗi ngày một tăng, tiền tích lũy được giờ không thấm vào đâu cả”.

Anh Mai Viết Hùng, ngụ tại phường Thành Công, Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, trước đây gia đình anh có lô đất thổ cư, diện tích 5x20 ở đầu dốc Châu Sơn (thuộc xã Cư Êbur), cách đây hai năm, do gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế, để có tiền cho con nhập học vào đại học Quy Nhơn, Vợ chồng anh đã bán lô đất trên với giá 350 triệu đồng. Từ đó đến nay, lô đất đất của anh đã sang nhượng qua 4 chủ, mỗi lần sang tay họ kiếm vài trăm triệu đồng, tại thời điểm này, lô đất của Hùng trước đây có giá tới 1,2 tỷ đồng.

“Bây giờ, cứ mỗi lần đi ngang qua lô đất, tôi lại tiếc, chỉ vì thiếu vài chục triệu để đóng học cho con mà phải đành bán lô đất. Giá như ngày đó, có thể xoay xở được thì đã giữ lại được lô đất để dành cho con” - Anh Hùng xót xa nói.

Một lãnh đạo UBND Thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định, nguyên nhân chính khiến cho giá đất tại các cùng ven tăng cao là do địa phương đã siết chặt quản lý trật tự xây dựng, xử lý kiên quyết tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Một số vùng thuộc quy hoạch đất ở trong Thành phố đã có mật độ xây dựng cao, không còn nhiều đất trống. Người mua đất hiện nay cũng đã quan tâm đến giá trị pháp lý, phạm vi quy hoạch đất đai nên cũng không mấy mặn mà với đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích. Do đó, cơn sốt đất đã dịch chuyển về những vùng có quy hoạch đất ở, nhất là khu vực được cho là sắp khởi công một dự án đường sá, trường học mới… Bên cạnh đó, giới đầu cơ bất động sản và "cò" đất đã tung tin thất thiệt về việc Thành phố sắp thành lập 8 quận trong nay mai để đẩy giá đất lên cao.

“Theo kết luận của Trung ương, phấn đấu đến năm 2030, Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và đến năm 2045, trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Lúc này mới có chuyện lên quận, lấy đâu ra mà chia làm 8 quận trong nay mai”. Vị này cho biết.

Việc tung tin, thổi giá đất quá đà này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người có nhu cầu thật về đất ở mà còn làm thiệt hại kinh tế, gây tác động xấu lên thị trường bất động sản. Người dân khi có nhu cầu thực về đất ở cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin để tránh rủi ro . Các cơ quan quản lý nhà nước cần thông tin minh bạch hơn về quy hoạch, tình hình thị trường nhà đất để hạ các cơn sốt cục bộ do giới đầu cơ “bày binh bố trận”.

Theo đánh giá của UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, từ đầu năm đến nay, tình trạng đầu cơ đất có chiều hướng phức tạp, giá tăng đột biến so với thực tế, tình trạng tự ý mở đường, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, theo dõi, xử lý của địa phương.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top