Đại biểu QH: Nếu tôi là Bộ trưởng Nhạ, tôi sẽ không đổ lỗi!

(khoahocdoisong.vn) - "Nếu tôi là Bộ trưởng Nhạ, tôi sẽ không đổ lỗi. Mà phải làm sao để những đại biểu như tôi, cũng là một cô giáo cảm thấy được đồng cảm về một dự thảo luật đã làm tổn thương tới các giáo viên", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM): Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần quyết liệt đưa ra giải pháp

Bà đánh giá như thế nào về hình thức chất vấn kiểu “hỏi nhanh đáp gọn” lần này?

Tôi thấy dễ đi sâu vào ngóc ngách của vấn đề. Có một số vụ việc rất là cụ thể. Càng ngày hội trường càng nóng lên, và đại biểu quan tâm tới vấn đề của mình không ngại chất vấn. Nếu mà chỉ ca tụng công đức của nhau thì tôi cho rằng không cần QH làm chi nữa, nhiều vấn đề lần này đã được đi đến tận cùng. Từ đây, tôi nghĩ, các Bộ trưởng sau này sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn nữa để nắm vững hơn công việc của mình.

Tuy nhiên, về sau này tôi nghĩ nhóm các vấn đề lại, ví dụ về kinh tế, ai có câu hỏi nào về kinh tế thì hỏi hết đi, sau đó, Bộ trưởng sẽ trả lời một lượt. Như vậy đỡ mệt cho Bộ trưởng, vấn đề đỡ bị lặp, nhiều khi quay vòng lại và người theo dõi dễ theo dõi hơn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hà Vũ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hà Vũ.

Có một số ngành “nóng” được người dân quan tâm đặc biệt, trong đó, có ngành giáo dục. Bà đánh giá như thế nào về những trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT?

Bộ trưởng Nhạ không phải là một nhà hùng biện. Câu trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục tôi. Ví dụ như về dự thảo thông tư sinh viên sư phạm lần thứ 4 bán dâm sẽ bị đuổi học, không thể lý luận rằng vì có những văn bản trước đây chưa phù hợp, Bộ giờ đã rà soát, tức là Bộ đã biết, đây là do cấp dưới đưa lên. Vì thời điểm thông tư ra đời, tháng 4/2016 anh Nhạ cũng đã là Bộ trưởng rồi.

Ta có thể thấy cái thông tư đấy nó vừa vi phạm pháp luật, vừa xúc phạm các thầy cô giáo, sinh viên ngành sư phạm. Tôi cũng là một giáo, tôi cảm thấy rất xúc phạm. Nếu tôi là Bộ trưởng Nhạ, tôi sẽ không đổ lỗi, mà trước hết, phải làm sao để những đại biểu như tôi, cũng là một cô giáo cảm thấy được đồng cảm về một dự thảo luật đã làm tổn thương tới các giáo viên.

Giáo dục là một ngành liên quan tới mọi nhà, được người dân cả nước quan tâm, áp lực lên người đứng đầu cũng sẽ là không nhỏ, thưa bà?

Tất nhiên tôi không đòi hỏi một cái gì quá cao vì mấy đời bộ trưởng cũng chưa thể khắc phục được những vấn đề tồn đọng của ngành giáo dục. Đặc biệt là những tiêu cực trong ngành thì cũng là do người ta làm, chứ không phải Bộ trưởng làm.

Thế nhưng, anh làm bộ trưởng thì chỉ đạo của anh ở đâu, thế giám sát của anh ở đâu, sau khi sự việc xảy ra anh xử lý như thế nào? Nó đòi hỏi một sự quyết liệt, mà quyết liệt từ cái tâm của mình chứ không phải chỉ là khẩu hiệu.

Ví dụ như vụ gian lận điểm thi vừa rồi, Bộ trưởng có cảm thấy đau xót không?

Tôi ngày xưa cũng đi thi, tôi biết chỉ cần thiếu nửa điểm không được vô trường, không được làm thầy mà phải vô làm thợ. Chúng ta tạo mọi điều kiện để cho các em vùng sâu vùng xa có điều kiện để công bằng với miền xuôi. Thế nhưng mà cuối cùng làm như thế này thì ngay cả những em thực sự là nghèo khổ, hiếu học cũng không còn con đường nào để vươn lên khi và tất cả các chỗ bị chiếm hết rồi.

Sau khi sự việc xảy ra tôi thất vọng khi hàng loạt quan chức tỉnh lại đổ trách nhiệm. Nó làm xói mòn niềm tin, góp phần vào việc phá hoại  những gì mà chúng ta đã nỗ lực xây dựng.

Sau buổi lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, coi lá phiếu tín nhiệm cao thấp là động lực để cố gắng hơn. Với cương vị một một đại biểu QH, một cử tri, bà mong muốn điều gì ở Bộ trưởng cũng như ngành giáo dục?

Bản thân tôi, tôi kỳ vọng, những ngành như y tế, giáo dục, thì lương phải đảm bảo đủ sống cho nhân viên y tế và giáo viên.

Bởi vì, đằng sau người ta còn gia đình. Đương nhiên là không phải là một cuộc sống giàu sang nhưng mà ở các nước, các lĩnh vực thuộc an sinh như giáo dục và y tế người ta phải được yên tâm về mức sống thì mới tập trung cho công việc được.

Bác sĩ không đủ sống thì bỏ vào đâu? Bỏ vào bệnh nhân. Giáo viên không đủ sống thì bỏ vào đâu? Vào học sinh. Nếu ta không khống chế, kiểm soát được sẽ dẫn tới những tiêu cực.

Tất nhiên, trong điều kiện nước ta kinh tế còn khó khăn, cũng không thể đổ hết lỗi cho Bộ trưởng.

Nhưng tôi nghĩ sau một loạt các sự việc như thế, bản thân Bộ trưởng cũng sẽ phải suy nghĩ lại xem là mình có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Tôi không dám khuyên Bộ trưởng phải như thế nào nhưng phải nói rằng, sức ép này cực kỳ lớn. Anh nói rằng coi đây là động lực thì QH ghi nhận,  tuy nhiên sẽ giám sát. Ít ra cũng nửa nhiệm kỳ rồi, anh phải đưa ra được giải pháp nào đó, đáp ứng phần nào được sự mong mỏi của người dân.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của báo chí về quy định gây tranh cãi với việc xử phạt với hành vi hoạt động mại dâm của sinh viên sư phạm, tối 29/10, Bộ GD&ĐT đã rút dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy

Trong dự thảo này có quy định sinh viên CĐ, TC sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học.

Cũng trong tối 29/10, Bộ GD&ĐT đã gửi thông tin đính chính đến báo chí, trong đó khẳng định đã có sơ suất khi cập nhật phiên bản dự thảo chưa phù hợp.

Theo trả lời của đại diện Bộ GD&ĐT, quá trình soạn thảoThông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành Quy chế mới.

Đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước): Cắt giảm biên chế giáo viên đừng theo kiểu cơ học

Ông đánh giá như thế nào về hình thức “hỏi nhanh – đáp gọn” của phiên chất vấn lần này?

Tôi thấy hình thức này có cái hay ở chỗ đại biểu phải chắc về thông tin và biên tập thông tin những nội dung trọng tâm cần hỏi. Vừa rõ ràng, vừa tiết kiệm được thời gian. Các đại biểu đã nghiên cứu rất là kỹ các báo cáo của chính phủ khi thực hiện các nghị quyết chuyên đề cũng như những vấn đề nóng của đất nước. Cố gắng tìm ra những vấn đề trọng yếu, lựa chọn được những vấn đề để hỏi.

Còn về phía các Bộ trưởng trả lời trong 3 phút thì đi thẳng vào vấn đề, trọng tâm, không vòng vo.

Đặc biệt, tôi thấy rất hài lòng với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân. Chủ tịch QH  rất là tâm lý, phân loại, sắp xếp rất nhanh câu hỏi nào thuộc lĩnh vực Bộ trưởng, trưởng ngành nào trả lời phù hợp. Có những lúc, tôi cảm thấy rất là khó điều hành, nhưng Chủ tịch QH đã rất nhanh nhạy khiến người được hỏi lẫn người hỏi đều thuận lợi.

Đại biểu Phan Viết Lượng.

Đại biểu Phan Viết Lượng.

Ông thấy câu trả lời của các thành viên chính phủ thế nào?

Tôi thấy câu trả lời của các thành viên chính phủ bám sát các các vấn đề mà đại biểu nêu. Họ cũng đã cố gắng đáp ứng được yêu cầu trả lời ngắn gọn nhưng phải thể hiện được ý đầy đủ. Về cơ bản, các thành viên chính phủ đã thực hiện điều đó.

Tuy nhiên, với những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp, những cái vụ án tồn đọng khó giải quyết trước đây do nhiều nguyên nhân, thì kết quả xử lý chưa đạt được như mong muốn. Với các vấn đề này, thì các thành viên chức ở phủ cần phải cam kết thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Bản thân ông có hài lòng với người được ông chất vấn hay không?

Tôi đặt vấn đề câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến biên chế giáo viên nói riêng và cải cách biên chế nói chung. Điều tôi muốn chuyển đến Bộ Nội Vụ,  đến Chính phủ và các cơ quan rằng việc tinh giản biên chế đối với giáo viên cần phải đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn.

Phải làm rất là linh hoạt và rất chắc chắn vì mục tiêu của giáo dục chứ không thể cắt giảm một cách cơ học, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, quyền lợi học tập của học sinh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời được một phần, nhưng kết quả cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Tôi mong, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có những điều chỉnh kịp thời.

Ông có cho rằng, các kỳ họp sau nên có một buổi đánh giá lại những nghị quyết của QH cũng như cam kết của các thành viên chính phủ hay không?

Tôi cho là nên. Vì cam kết đó sẽ là áp lực lên các thành viên chính phủ để giải quyết được những vấn đề nóng của xã hội. Cho nên, việc đánh giá lại là cần thiết, rất là tốt.

Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Đây là lần đầu tiên Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức hỏi nhanh - đáp gọn "hỏi 1 phút, đáp 3 phút" (thay vì hỏi 2 phút, đáp 7 phút như trước) và vừa "kiểm điểm" thực hiện lời hứa và nghị quyết của Quốc hội, đối với tất cả các thành viên Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao. Như vậy, thay vì lựa chọn ra 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn theo nhóm nội dung cụ thể như các kỳ họp trước, lần này đại biểu Quốc hội có thể chất vấn tới gần 30 người, với nhiều lĩnh vực, vấn đề đa dạng, rộng lớn.

Theo Đời sống
back to top