Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các tiêu chuẩn về nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; các chính sách thúc đẩy sản xuất phân phối và tiêu dùng cho các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Người tiêu dùng hào hứng với các thực phẩm được bọc bằng lá chuối thay thế cho túi nilon. |
TP Đà Nẵng đặt mục tiêu cụ thể sẽ giảm 5 – 8% mức tiêu hao nguyên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; 80% các khu cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tuyên truyền về tiêu dùng bền vững đến người dân thành phố; xây dựng và triển khai áp dụng 1 – 2 mô hình về sản xuất sạch hơn, mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững để phổ biến, nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường dần thay thế cho túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần; xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đến năm 2030, TP Đà Nẵng sẽ hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm 7 – 10% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất; 100% các khu, cụm công nghiệp được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho túi nilon và các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; phổ biến và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.