Theo thống kê từ cơ quan chức năng có ngày, chỉ trong phạm vi được giao vớt theo hợp đồng, 2 đơn vị thu gom đã vớt được từ 6-7 tấn rác. Trong số đó, có nhiều loại rác phát sinh từ các hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long như túi nilon, chai nhựa, khăn giấy… do du khách hoặc thuyền viên thiếu ý thức ném xuống.
Ông Phạm Đình Huỳnh – Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết, để giải quyết câu chuyện rác trên vịnh Hạ Long, cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị liên quan, nhưng trước hết phải bắt đầu từ đội tàu du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ.
“Chúng tôi chọn 15 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tàu du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch xuồng cao tốc, kayak, đò chèo tay trên vịnh Hạ Long làm trước. Họ đã đồng ý từ 1/8 sẽ không sử dụng chai nhựa đựng nước, túi nilon… Như vậy, ít nhất từ thời điểm đó, mỗi ngày sẽ không còn khoảng 5.000 chai nước và 5.000 khăn giấy ướt được phát cho du khách như trước đây và chấm dứt được một nguồn nguy cơ gây ô nhiễm lớn”, ông Huỳnh cho biết.
Mỗi ngày, đơn vị thu gom rác trong phmj vi một phần Vịnh Hạ Long vớt được 6 - 7 tấn rác. |
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, để vẫn tiếp tục phục vụ du khách tốt, các đơn vị sẽ thay thế nước đóng chai bằng các bình nước lớn cố định và mỗi du khách sẽ được phát một cái ly được làm bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường; khăn giấy ướt sẽ được thay thế bằng khăn vải và sẽ được thu lại sau khi dùng.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, sau 15 doanh nghiệp làm dịch vụ, Ban quản lý vịnh Hạ Long tiếp tục làm việc, kêu gọi các chủ tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long nói “không” với chai nhựa, túi nilon và các sản phẩm không thân thiện với môi trường.
“Với các tàu du lịch tham quan ban ngày – vừa có số lượng đông hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm hơn – việc kêu gọi chấm dứt sử dụng chai nhựa, cốc nhựa, túi nilon sẽ khó hơn, sẽ phải làm từng bước”, đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết.