Cứu sống bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng

Mới đây, khoa hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, vừa cứu sống bệnh nhi T.M.D (10 tuổi, địa chỉ Tiền Hải, Thái Bình) bị sốc nhiễm khuẩn nặng.

Cụ thể, theo thông tin bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh nhi T.M.D 10 tuổi (địa chỉ Tiền Hải, Thái Bình), đang trong kỳ nghỉ hè nên ở chơi nhà chị gái tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.

Theo ghi nhận từ gia đình, bệnh diễn biến từ đêm ngày 27/6, khởi đầu bệnh nhi có biểu hiện nôn ra nhiều dịch và thức ăn. Sáng cùng ngày bệnh nhi sốt 38,5 độ C, kèm theo đi ngoài phân lỏng. Trẻ không không đau bụng nhưng tiếp tục nôn nhiều. Sau đó, bệnh nhi được gia đình cho vào bệnh viện gần nhà điều trị.

Tại đây, bệnh nhi sốt cao liên tục, nhiệt độ cao nhất 40 độ C, tiếp tục nôn và đi ngoài phân lỏng toàn nước nhiều lần (30 phút/ 1 lần). Bệnh nhi đã được điều trị tích cực theo phác đồ nhiễm khuẩn và tiêu chảy cấp mất nước nặng bằng truyền dịch và dùng kháng sinh nhưng tình trạng lâm sàng không cải thiện, trẻ còn mệt nhiều kèm theo rối loạn tri giác. Sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang

Cứu sống bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng. Ảnh BVCC

Cứu sống bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng. Ảnh BVCC

Khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhi được nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng rất nặng với biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn. Ngay lập tức, kíp trực đã thực hiện tiếp nhận và điều trị cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời các bác sĩ tiến hành hội chẩn đánh giá ngay tình trạng của bệnh nhân. Trẻ đã được đặt nội khí quản thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm dùng thuốc vận mạch kết hợp kháng sinh sớm và tốt nhất.

Sau 3 giờ điều trị tích cực, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện chậm. Trước tình trạng trên, Ths.Bs Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa khoa Hồi sức tích cực Nhi và các bác sĩ đã hội chẩn lại và chẩn đoán của bệnh nhân là toan chuyển hóa mất bù kéo dài, sốc nhiễm khuẩn có chỉ định lọc máu liên tục để điều trị nâng cao cho bệnh nhân.

“Ngay sau khi hội chẩn thống nhất phác đồ điều trị, ê kíp lọc máu của khoa đã được huy động để nhanh chóng thực hiện đặt catheter lọc máu và tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Nhận thức đây sẽ ca lọc máu liên tục đầu tiên ở đối tượng trẻ em được thực hiện tại Bệnh viện Đức Giang nên toàn bộ ê kíp lọc máu đã vận dụng toàn bộ kỹ năng để thực hiện nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân”, Ths.Bs Hoàng Văn Kết chia sẻ.

Những giây phút máy lọc Pfismaflex chạy rút máu đầu tiên, tất cả bác sĩ và điều dưỡng trong ê kíp đã thở phào phần nào khi quá trình lọc máu ban đầu diễn ra thuận lợi, không xảy ra biến chứng cho bệnh nhân. Đồng hành cùng “chiến binh nhí” trong những phút giây đối mặt với hiểm nguy, cả ê kíp lọc máu đã thay nhau túc trực 24/24 để có thể xử trí bất kỳ vấn đề gì liên quan đến lọc máu.

Sau 8 giờ lọc máu liên tục, tình trạng lâm sàng và xét nghiệm của bệnh nhi đã cải thiện, giảm được liều thuốc vận mạch, tình trạng tưới máu cũng cải thiện, chỉ số PH máu và lactat máu trở về mức bình thường.

Sau 3 ngày điều trị tích cực kết hợp với lọc máu liên tục, tình trạng lâm sàng của bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt, bệnh nhân hết sốt, các chỉ số xét viêm giảm dần, cắt được an thần, cắt được thuốc vận mạch, dừng lọc máu và được rút ống nội khí quản để trẻ có thể tự thở.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh cho tình trạng nhiễm trùng, sau 14 ngày điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn đã được kiểm soát, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục, các chỉ số xét nghiệm máu bình thường, trẻ được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình và toàn bộ các y bác sỹ trong khoa Hồi sức tích cực Nhi.

Theo Đời sống
Nhịp tim chậm có nguy hiểm?

Nhịp tim chậm có nguy hiểm?

Nhịp tim chậm không có triệu chứng cảnh báo, chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Những trường hợp nhịp tim quá chậm, xuất hiện đột ngột có thể gây thiếu máu lên não, dẫn đến lú lẫn, gần ngất hoặc ngất, ngưng tim...
back to top