Covid-19 và màn lên đỉnh của cổ phiếu ngân hàng

(khoahocdoisong.vn) - Những hệ quả của dịch bệnh Covid-19 đã có thể nhìn thấy khá rõ trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong thời gian này, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn nhận được sự quan tâm nhất định và tiếp tục làm bệ đỡ cho thị trường.

Lội ngược dòng 

Ngày 8/12/2019, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung của Trung Quốc. Dịch bệnh này hiện diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, đã lan ra toàn thế giới với 86.980 ca bị nhiễm trong đó có 2.979 ca tử vong. 

Ngoài thiệt hại về con người, dịch bệnh còn gây ra thiệt hại về kinh tế do các hoạt động giao thương, kết nối chuỗi sản xuất giữa các quốc gia bị đình trệ và xáo trộn, cả tổng cung và tổng cầu đều chịu tác động tiêu cực.

Cộng thêm các tài sản có tính an toàn cao như đồng USD, đồng Yên của Nhật, trái phiếu Chính phủ Mỹ, vàng… đều có xu hướng tăng giá, khiến thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt lao dốc.

Cụ thể, riêng trong tuần từ 24/2-1/3, chứng khoán Mỹ có tuần giảm điểm tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua, tâm lý tiêu cực được lan rộng. Tất cả các chỉ số đều giảm hơn 10% so với tuần liền trước.

Chỉ số Dow Jones đóng cửa ở 25.409 điểm (giảm 10,54%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.954 điểm (giảm 9,3%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.567 điểm (giảm 6,76%). Chỉ số biến động Cboe (VIX) tăng vọt lên gần 50 điểm vào sáng thứ Sáu, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2008. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.580 điểm (giảm 11,12%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.890 điểm (giảm 10,14%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.309 điểm (giảm 9,63%).

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa ở mức 21.142 điểm (giảm 9,75%). So với giai đoạn đầu năm, chỉ số này đã giảm gần 11%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi “đỏ” là tông màu chủ đạo, lực bán mạnh đến từ nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài. Chốt tuần trước, VN-Index đóng cửa ở mức 882,19 điểm, giảm 5,5% trong tuần và giảm 8,2% trong 2 tháng.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index có thể tạm thời hồi phục trong thời gian gần, nhưng vẫn đối diện với rủi ro suy giảm cao. Nhìn chung, VN-Index vẫn trong xu hướng tiêu cực.

Lẽ thường, xu hướng chung của thị trường sẽ có sức ảnh hưởng mạnh đến biến động giá của các cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, không vì thế mà dòng tiền nằm nghỉ. Ít nhất, vẫn có khoảng 10% cổ phiếu đủ sức chống chọi và lội ngược dòng thị trường. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nằm trong 10% trên.

Tâm điểm tuần qua là mã cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHB) với 3 phiên tăng kịch biên độ. Thị giá từ 6.900đ/cổ phiếu (phiên 21/2) lên 9.600đ/cổ phiếu (phiên 28/2), tương ứng tăng gần 40%. Cổ phiếu của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán VPB), từ mức thấp nhất của năm ngoái (18.900đ/cổ phiếu), trong vòng chưa đầy 2 tháng đã tăng lên thành 27.200đ/cổ phiếu, tương ứng tăng 44%.

Hoặc cổ phiếu của Ngân hàng Vietinbank (mã chứng khoán CTG) đã bứt phá 30% trong thời gian ngắn ngay sau Tết âm lịch. Cổ phiếu các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, ACB, Techcombank, Sacombank, MBBank, HDBank đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhiều.

“Miễn nhiễm” Covid-19?

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng rõ nét tới 8 lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam như chi phí y tế và nguồn nhân lực; du lịch, lữ hành, khách sạn; giao thông vận tải; thương mại; đầu tư; bán lẻ; các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng; tài chính – ngân hàng.

Trong đó, ảnh hưởng của dịch bệnh đến hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng và bản thân ngân hàng.

Cụ thể hơn, cầu tín dụng sẽ giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn. Khả năng tiềm ẩn nợ xấu gia tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó.

Thực tế cho thấy, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Như vậy, ngành ngân hàng không hề “miễn nhiễm” đối với dịch bệnh đang diễn ra.

Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận định nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2020 do chịu tác động của dịch. Bởi lẽ, xu hướng các ngân hàng đều chuyển dần từ bán buôn sang bán lẻ, tức chuyển cơ cấu sang cho vay tiêu dùng là chính.

Tại mảng này rất khó có thể thống kê trực tiếp mức độ ảnh hưởng. Mọi hoạt động có thể chậm lại ở hiện tại, nhưng sau khi hết dịch, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ hồi phục rất nhanh do nhu cầu vốn cá nhân bị dồn nén lại trước đó.

Ngoài ra, trong kế hoạch kinh doanh năm nay, ngân hàng nào cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận hai con số, các chỉ số tài chính hiện tại của cổ phiếu ngân hàng như EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu), P/E (giá trên lợi nhuận), P/BV (giá trị trên sổ sách)... có thể dẫn đến nhận xét chúng còn tương đối rẻ so với thị trường chung và so với các ngành nghề khác.

Theo nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI, dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng. Dù vậy, SSI cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2020 nói chung vẫn là tích cực.

Cùng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu Khí (PSI) chia sẻ: “Cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư trong ngắn, trung và dài hạn nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm này trong bối cảnh chung của thị trường và nền kinh tế Việt Nam. Nhóm ngành ngân hàng cũng chính là nhóm phù hợp với phương pháp đầu tư giá trị và đó là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp trong thời gian tới”.

Theo Đời sống
Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố việc ông Hồ Doãn Cường và ông Hà Văn Trung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10 và 10/10/2024. Các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực trong vòng 4 năm.
Lý do Ngân hàng ABBank lỗ "khủng"?

Lý do Ngân hàng ABBank lỗ "khủng"?

ABBank ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2024 với khoản lỗ thuần 45,5 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận hơn 90 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không chia cổ tức năm 2023. 
back to top