Chiều 28/9, gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa đã về TP Hải Phòng dự hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2020 và tham quan thực tế Bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ đường kính 10 - 18cm, loại lớn 28 - 32cm. Đặc biệt, nhiều cọc có đường kính 37 - 40cm.
Có mặt tại đoàn tham quan, TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, hiện khu bảo tồn bãi cọc đã được khởi công xây dựng với 2 hợp phần gồm tuyến đường dẫn vào khu bãi cọc và khu bảo tồn bãi cọc. Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ diện tích khoảng 30.680m2, bao gồm hệ thống tường bao tổng chiều dài 724m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật - cọc gỗ có diện tích 360m2, khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000m2...
TS Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hải Phòng cho biết, những chiếc cọc gỗ này tồn tại được gần cả nghìn năm vì đây chủ yếu là các loại gỗ tứ thiết lim, sến, táu (tốt và rắn nhất) và được bảo quản trong môi trường đất hoặc nước. Vì thế, nếu mang cọc lên bờ sẽ mục rất nhanh. Do vậy, các nhà khoa học đã tính đến bảo quản tại chỗ bằng cách lấp đất cát và tưới nước hàng ngày, tránh tác động của thời tiết, môi trường. Bãi cọc ở Yên Giang (Quảng Yên, Quảng Ninh) còn cho bơm ngập nước. Nếu mang lên trưng bày cũng phải để trong bể có nước.
“Theo tôi thì để bảo tồn di tích, nên kết hợp nhiều biện pháp công nghệ khác nhau, trong đó ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn hiện trạng. Hạn chế tối đa khai quật để trưng bày. Nếu có thể vừa tiến hành bảo quản hiện vật, vừa xây dựng khu di tích mô phỏng địa thế trận chiến khi xưa để thế hệ trẻ hiểu và tự hào về lịch sử dân tộc”, TS Trình Năng Chung cho hay.