Công nghệ hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng cho 70 triệu người

(khoahocdoisong.vn) - Để đáp ứng cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho 70 triệu người tại 15.000 điểm tiêm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cùng Bộ Thông tin - Truyền thông và các đơn vị liên quan đang xây dựng kế hoạch cụ thể cho chiến dịch này.

70 triệu người tiêm vẫn phải đảm bảo an toàn là hàng đầu

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ Trưởng Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng văcxin phòng Covid-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta, có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...

Chiến dịch lần này không chỉ triển khai đồng loạt trên tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường mà còn có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận văcxin một cách thuận lợi và dễ dàng nhất.

Khám tiêm Covid-19 tại Bệnh viện E.

Khám tiêm Covid-19 tại Bệnh viện E.

“Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để khi văcxin về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển văcxin toả đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc”, GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo yếu tố miễn dịch cộng đồng, quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều văcxin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được văcxin.

Vấn đề an toàn tiêm chủng vẫn được Bộ Y tế đặt lên hàng đầu. Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì họ sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tiêm văcxin Covid-19 cho các bác sĩ Bệnh viện E.

Tiêm văcxin Covid-19 cho các bác sĩ Bệnh viện E.

Tất cả các quy trình đều được thực hiện online

Đặc biệt, trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này, việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện mạnh mẽ. Tất cả các điểm tiêm chủng hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều văcxin được sử dụng, tất cả các quy trình, công đoạn triển khai trong chiến dịch đều được kiểm soát chặt chẽ.

Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Nam., Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế cho biết, do chiến dịch tiêm chủng lần này quy mô lớn, cần triển khai nhanh nên Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo ứng dụng CNTT trong toàn bộ chiến dịch. Tất cả các quy trình đều được thực hiện online, người dân tải app ứng dụng và đăng ký tiêm thông qua Sổ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế xây dựng, sau đó sẽ được cung cấp thông tin điểm tiêm, hướng dẫn quy định tiêm.

Hệ thống khi tiếp nhận đăng ký tiêm, sẽ lọc, xác minh thông tin và gửi tin nhắn thông báo lịch tiêm; khi đến tiêm, cán bộ quét QR thông tin cá nhân và chỉ định tiêm; tiêm xong, hệ thống sẽ xác nhận và cấp mã QR xác nhận tiêm; sau đó sẽ có nhắc báo tình trạng sau tiêm... Đối với người dân không có điện thoại thông minh thì nhắn tin đến tổng đài và nhận thông tin phản hồi từ tổng đài; tại các điểm tiêm sẽ có đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện các bước trong quy trình tiêm. Để có được danh sách tiêm kịp thời và chính xác, Bộ Y tế nhờ Bộ Công an hỗ trợ và chỉ đạo công an xã/phường rà soát danh sách, lập danh sách tiêm.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, thông qua hệ thống điều hành online sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi khâu trong quá trình của chiến dịch tiêm chủng từ: Kế hoạch, phân phối văcxin, kho chứa, nhân lực… thậm chí đến hòm lạnh đều phải được gắn mã QR để giám sát. Để đảm bảo công tác an toàn tiêm và theo dõi tình trạng sức khỏe trong quá tình tiêm và sau tiêm, cần thực hiện kết nối thông tin liên lạc thông suốt tại các điểm tiêm để kịp thời xử lý khi có bất thường xảy ra.

Về tiến độ triển khai, hiện Cục CNTT đang phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng Covid-19 và tổ chức tập huấn, đào tạo sử dụng phần mềm cho các điểm tiêm trong thời gian tới.

Theo Đời sống
Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Việc nhầm lẫn giữa nhìn mờ do đột quỵ và các bệnh về mắt là một vấn đề phổ biến, sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị sớm hoặc để lại những di chứng nặng nề.
back to top