Còn khả năng giám định ADN tro cốt?

(khoahocdoisong.vn) - Làm thế nào để xác định lại nhân thân trong sự việc thất lạc bảng tên các hũ tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 (TPHCM)? Còn khả năng nào để xét nghiệm ADN đối với những bộ tro cốt này?

Tro cốt đã thiêu không còn ADN

Sự việc hàng trăm hũ hài cốt bị bỏ lăn lóc, mất di ảnh khiến người dân không thể tìm được tro cốt của người thân đã gây ra nỗi bức xúc rất lớn trong dư luận những ngày vừa qua. Sau khi sự việc xảy ra, Thượng toạ Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (TPHCM) đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ cho xét nghiệm ADN để tìm danh tính, trả lại tro cốt cho người dân đã gửi lên chùa.

Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề xét nghiệm ADN từ các hũ tro cốt để xác định danh tính, GS Lê Đình Lương, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam cho biết, ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, dù với công nghệ nào thì việc xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể. Lý do là với nhiệt độ cao lên tới hàng ngàn độ C trong quá trình thiêu xác, những cấu trúc ADN nguyên vẹn cần cho việc xét nghiệm ADN đã bị huỷ diệt. Xương cốt chôn dưới đất lâu năm cũng đã làm ADN bị đứt gãy, khó có thể thực hiện xét nghiệm AND, huống hồ là qua quá trình đốt huỷ hàng ngàn độ. Việc giám định ADN chỉ có thể thực hiện được khi cấu trúc xương còn nguyên vẹn, không bị phá hủy bởi nhiệt độ hay môi trường.

“Trong chuyện này không nên đặt vấn đề công nghệ có hiện đại hay không mà mấu chốt là mẫu tro cốt sau khi hỏa táng không còn ADN nữa, chúng đã cháy đen hết rồi thì dù hài cốt là xương hay tro cũng không thể xét nghiệm được”, GS Lê Đình Lương khẳng định.

Cùng quan điểm, ThS Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho rằng, ở nhiệt độ cao, cấu trúc ADN sẽ bị gãy, hoặc thậm chí phân hủy hoàn toàn. Dù công nghệ tách chiết ADN ngày nay rất tiên tiến nhưng giám định các mẫu tro cốt là không thể. Từ trước đến nay, việc phân tích ADN hài cốt ở Việt Nam chủ yếu là hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh. Các bộ hài cốt này được chôn cất trong nhiều điều kiện khác nhau, qua thời gian, nhiều hài cốt đã không còn ADN để phân tích nữa. Việc tách, phân tích ADN từ các mẫu tro cốt, Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học cũng chưa thực hiện bao giờ.

Khả năng nào xác định lại danh tính của tro cốt?

Có ý kiến cho rằng, với thi thể đã hỏa táng thành tro cốt thì không xét nghiệm ADN được nhưng với trường hợp hỏa táng vẫn giữ lại phần cốt (xương) thì có thể giám định ADN hay ARN với khả năng cao hơn mẫu tro cốt. Nghĩa là có thể có các phương pháp phân tích phức tạp và tốn kém hơn để xác định danh tính những bộ tro cốt còn xương. Tuy nhiên, theo GS Lê Đình Lương, cho dù xét nghiệm ADN hay ARN thì vấn đề ở đây là không có nguyên liệu để thực hiện nữa. Với nhiệt độ của lò hỏa táng cao như vậy thì xương đã cháy đen hết, không nên hy vọng có thể xét nghiệm được, dù là phần trăm rất nhỏ.

Người thân, cũng như nhà chùa cần tính tới các phương án khác, tối ưu hơn để phân loại, xác định danh tính những hũ tro cốt này như dùng đến các phương pháp giám định kỹ thuật hình sự như giám định qua hồ sơ, ảnh chụp sơ đồ được lưu trữ để xác định các mối liên quan nếu có. Người nhà có thể cố nhớ lại hình dáng hũ cốt thân nhân, sau đó sẽ được kiểm tra bên trong.

Trường hợp không xác định được danh tính của tro cốt, theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA, các gia đình cũng không nên quá hoang mang bởi theo triết lý nhà Phật thì linh hồn sẽ về nơi an lành chứ không trụ ở tro cốt. Tro cốt chỉ mang ý nghĩa biểu trưng tinh thần cho người còn sống. Do vậy, cách tốt nhất là tập hợp các bộ tro cốt thất lạc tên vào một đài hoa sen, mỗi tro cốt đặt ở một cánh sen rồi thực hiện cầu nguyện chung theo triết lý cha mẹ người khác cũng được kính trọng như cha mẹ mình.

Theo Đời sống
back to top