Cổ phiếu ngân hàng nào khởi sắc năm 2023?

Năm 2023 được nhận định vẫn còn nhiều rủi ro đối với ngành ngân hàng, tuy nhiên trong bức tranh màu xám vẫn có những điểm sáng để nhà đầu tư lựa chọn dựa trên nội lực của mỗi nhà băng.

“Nhặt” cổ phiếu nào cho năm 2023?

Nhận định về ngành ngân hàng năm 2023, Chứng khoán VNDirect cho rằng, sóng gió vẫn tiếp diễn. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.

Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ giảm tốc và đạt 10-11% so cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Do đó, VNDirect giữ lập trường thận trọng với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Bởi có khoảng 46 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 6 tháng 2023 sẽ là một thử thách lớn lên hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngân hàng vẫn là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử (1,1 lần P/B năm 2023) đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn đối với ngành ngân hàng. Với bối cảnh hiện tại, VNDirect ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay bất động sản hạn chế), điển hình như VCB và ACB.

Tuy vậy, một khi sóng gió qua đi, VNDirect có phần ưu tiên những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng, điển hình như TCB và VPB.

Đồng quan điểm, song Chứng khoán Mirae Asset Vietnam cho rằng định giá cổ phiếu ngành ngân hàng hiện có hấp dẫn song vẫn còn rủi ro tiếp tục điều chỉnh. Mức định giá hiện tại theo P/B của các NHTM quốc doanh là 1,9x và NHTM tư nhân là 1,0x, giảm lần lượt 40% và 60% từ đỉnh. Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm (lầ lượt là 2,2x và 1,6x) do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn.

Do đó, đối với tình hình rủi ro tiềm ẩn như hiện tại, yếu tố an toàn nên được đặt lên hàng đầu. Mirae Asset cho rằng khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ định giá tương đối thấp so với định giá quá khứ, rủi ro hoạt động liên tục thấp, có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn, liên kết nội khối tốt, lợi thế huy động vốn và dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp. Do đó, Mirae Asset khuyến nghị "nhặt" CTG và VCB.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì duy trì khuyến nghị mua đối với hầu hết các ngân hàng mà đơn vị này theo dõi (VCB, CTG, BID, TCB, VPB, MBB, ACB, STB, HDB, TPB, VIB và LPB), nhưng TCB, VPB và MBB có tổng mức sinh lời dự phóng cao nhất so với giá mục tiêu. Tuy nhiên, mức sinh lời dự phóng của các ngân hàng quốc doanh sẽ hạn chế hơn do diễn biến giá cổ phiếu tương đối tốt tính từ đầu năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, với tầm nhìn đầu tư 1 năm, các cổ phiếu lựa chọn hàng đầu của VCSC là TCB, VPB, MBB và STB. VCSC tin rằng mức giảm giá cổ phiếu mạnh của các ngân hàng này sẽ hạ nhiệt khi giải pháp cho các vấn đề liên quan tới thị trường trái phiếu và bất động sản rõ ràng hơn.

Top cổ phiếu đi ngược thị trường năm 2022

Kết năm 2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài đà suy giảm của toàn thị trường khi hầu hết đều rớt tới mức 2 con số, chỉ riêng cổ phiếu của BIDV (HoSE: BID) và Vietcombank (HoSE: VCB) ngược “hướng gió” khi tăng nhẹ lần lượt 3% và 1% để duy trì mức thị giá cao nhất tại thời điểm cuối năm là 80.000 đồng/cp và 38.600 đồng/cp.

Trong khi đó, toàn ngành có 6 cổ phiếu giảm mạnh hơn 50% gồm VBB của VietBank (-59%), BVB của Bản Việt bám sát (-56%), KLB của Kiên Long (-53%), PGB, TPB và ABB cùng hạng (-51%). Mức giảm mạnh suýt soát nhóm này còn có TCB và SHB (-49%); còn VAB, MSB, NAB và VIB cùng giảm quanh mức 42-46%... Đà lao dốc của thị trường cùng với việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức đã khiến 6 cổ phiếu rớt khỏi mệnh giá như SHB, NVB, VAB, NAB, ABB, VBB.

Mặc dù, cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh trong năm qua, song cũng cần lưu ý là khối ngoại đã ra tay mua ròng hơn 300 triệu cổ phiếu (trong khi năm 2021 bán ròng) với giá trị mua lên tới 8.886 tỷ đồng. Trong đó, STB của Sacombank là cổ phiếu được khối ngoại quan tâm nhiều nhất khi mua gần 187 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.576 tỷ đồng. CTG của VietinBank cũng được mua ròng 2.933 tỷ đồng, còn lại đều chỉ ở mức dưới ngàn tỷ đồng.

Ngược lại, EIB của Eximbank sau những lùm xùm tiếp diễn khiến khối ngoại đành nói lời “chia tay” khi bán ròng khủng nhất với 2.089 tỷ đồng. Ở vị trí kế tiếp nhưng lại cách khá xa so EIB là SGB (bán ròng 309 tỷ đồng) và OCB (bán ròng 105 tỷ đồng), còn lại đều chỉ ở mức hàng chủc tục đồng./.

Theo Đời sống
back to top