Có nên dùng hoa vạn thọ chế biến món ăn?

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video chế biến món ăn từ hoa vạn thọ. Chỉ cần gõ từ khóa “ăn hoa vạn thọ”, “mì tôm hoa vạn thọ”… sẽ cho ra một loạt kết quả với hàng chục video khác nhau.

Hoa vạn thọ (hay còn gọi là cúc vạn thọ) là loài hoa có xuất xứ từ Mexico, có tên khoa học là Tagetes erecta L. Chúng thuộc dạng thân thảo, mọc thẳng đứng và thường phân nhánh nhiều để tạo thành từng bụi có cành trải dài ra. Lá thì có dạng lá kép lông chim, mép hình răng cưa, thường mọc xen kẽ hoặc đối xứng nhau và ở mỗi nách lá sẽ mọc ra các nhánh phụ.

Hoa của chúng sẽ mọc đơn lẻ trên đỉnh và có hai màu chính là vàng hoặc vàng cam. Chúng thường đơm hoa từ mùa đông cho đến mùa hạ và cây giữ hoa khá lâu.

Trend “ăn hoa vạn thọ”

Ở nước ta, vạn thọ được biết đến là một loại hoa trồng để làm cảnh và chưng trong những dịp Lễ Tết, rằm tháng Giêng. Những ngày gần đây, hoa và lá vạn thọ bất ngờ trở thành “trend” mới trong làng ẩm thực.

Theo đó, cư dân mạng trên nền tảng TikTok đã đưa ra một xu hướng mới sau mì tôm thanh long là ăn hoa vạn thọ. Từ những video ngắn, nhiều tài khoản TikTok chỉ ra nhiều cách ăn khác nhau để thưởng thức món ăn này, từ việc kết hợp với mì tôm cho đến việc trộn vào gỏi gà… tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và hấp dẫn.

“Bắt trend” “mì tôm hoa vạn thọ”, hiện trên mạng có khá nhiều người đang rao bán hoa vạn thọ sạch, đảm bảo không phun thuốc để chế biến món ăn, với giá bán cao hơn hoa vạn thọ chợ từ 10.000 – 15.000 đồng/bó. Thậm chí, có một số người còn rao bán những suất ăn hoa vạn thọ đã làm sạch, đóng gói sẵn, với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/200 gram.

Tuy nhiên, khi được hỏi sạch đến đâu, người bán chỉ khẳng định hoa không phun thuốc trừ sâu và xử lý sạch nên độ an toàn cao hơn hoa bán ngoài chợ.

Trend “ăn hoa vạn thọ” đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội.

Trend “ăn hoa vạn thọ” đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Tú My (thành phố Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ, chị biết đến món ăn này qua mạng xã hội TikTok. Ban đầu, chị rất ngạc nhiên khi biết hoa vạn thọ cũng có thể chế biến thành món ăn, sau đó chị thử hái một ít hoa vạn thọ nhỏ còn non, nụ chưa nở, đem rửa nước sạch và úp hoa cùng mì tôm trong nước sôi theo như hướng dẫn trên mạng.

“Món ăn này có mùi rất hăng, khó ngửi. Mình chỉ ăn thử để trải nghiệm, chụp hình, khoe trên facebook chơi thôi”, chị Tú My nói.

Chị Nguyễn Thị Lan Phương (quận 8, TP HCM) cũng cho hay, chị thấy trên mạng bán món ăn chế biến từ hoa vạn thọ nên cũng “đu trend” thử ăn món cúc vạn thọ úp mì tôm. Thậm chí, chị cho thêm cả nghêu vào để hương vị đậm đà hơn.

“Mình đã thử rồi nhưng thú thật, mùi của hoa rất hăng, ngửi thôi là đã thấy đau đầu”, chị Lan Phương chia sẻ.

Hoa vạn thọ có thể ăn được không?

Theo bác sĩ Nguyễn Võ Trà Mi, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP HCM, hoa vạn thọ có thể ăn được cả hoa và lá. Các món ăn với hoa vạn thọ cũng đã có từ lâu, phần lá có tinh dầu, mùi hơi hăng, vị đắng, phần hoa ăn sẽ có vị đắng nhẹ, xốp xốp, nếu những ai quen được vị đắng sẽ cảm thấy ăn loại hoa này ngon.

“Thế nhưng ăn hoa cúc vạn thọ là điều không khuyến khích. Trong quá trình trồng trọt, cúc vạn thọ được phun khá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, do đó nếu lượng dư tồn hóa chất vào cơ thể sẽ có những nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Trà Mi nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Võ Trà Mi, việc ăn cúc vạn thọ kết hợp với mì tôm lại tiềm ẩn một số nguy cơ như dị ứng, khó tiêu, tăng huyết áp hay béo phì… Một số người có thể dị ứng với hoa, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn, sưng tấy. Bông vạn thọ chứa saponin, sesquiterpene lactone và flavonoid - những chất kích thích tiêu hóa. Ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy.

Mì tôm chứa nhiều calo và dầu mỡ. Kết hợp với hoa vạn thọ có thể dẫn đến tăng cân nếu ăn thường xuyên. Ngoài ra, cúc vạn thọ và mì tôm đều có hàm lượng muối cao, không tốt cho người có vấn đề về tim mạch.

“Có rất nhiều loại rau ngon, an toàn có thể kết hợp với mì tôm hay thực phẩm khác, tốt nhất là không nên dùng hoa cúc làm rau ăn để tránh nguy cơ nhiễm độc do hóa chất bảo vệ thực vật”, bác sĩ Trà Mi khuyên.

Trong quá trình trồng trọt, cúc vạn thọ được phun khá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, do đó nếu lượng dư tồn hóa chất vào cơ thể sẽ có những nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó trưởng Khoa Điều dưỡng và Xét nghiệm, Trường Đại học Công nghệ TP HCM cũng chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng thảo dược rất lớn, vì vậy có nhiều cây cỏ, hoa xung quanh chúng ta là thuốc, cúc vạn thọ cũng thuộc nhóm này. Thông thường mọi người dùng lá cúc vạn thọ nhiều hơn, nhưng hoa cũng sử dụng được.

“Theo quan niệm của y học cổ truyền, cúc vạn thọ có mùi thơm, tính mát, không có độc. Loại cây này có thể giúp tiêu viêm, thanh tâm giáng hỏa. Còn theo y học hiện đại, cúc vạn thọ có tác dụng giảm viêm, hỗ trợ điều trị viêm loét đại tràng hoặc ruột già, viêm khớp. Ngoài ra, còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ và mang lại những công dụng tốt cho mắt khi dùng làm trà pha uống”, thạc sĩ, bác sĩ Tài nói.

Tuy nhiên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tài cho rằng cúc vạn thọ vốn trồng để làm cảnh và chưng trong những dịp Lễ Tết, rằm tháng Giêng, nên loại hoa này cũng thường chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Trong khi tiêu chí sử dụng thực phẩm, làm thuốc cho người thì lại rất khắt khe.

“Nếu sử dụng làm thực phẩm kéo dài thì vô tình đưa vào trong cơ thể những hóa chất độc hại. Ngoài ra, do có công dụng điều hòa kinh nguyệt nên với phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần cẩn thận khi dùng cúc vạn thọ”, thạc sĩ, bác sĩ Tài cân nhắc và khuyên mọi người nên dùng với hàm lượng vừa phải, biết rõ nguồn gốc của cây. Nếu là hoa nhà trồng, không dùng hóa chất thì có thể sử dụng được.

Theo Đời sống
back to top