Có nên cho tiêm văcxin Covid-19 dịch vụ?

(khoahocdoisong.vn) - Hiện có một số ý kiến đề xuất cho thực hiện tiêm văcxin Covid-19 dịch vụ. Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – chuyên gia về y tế cộng đồng thì không nên triển khai tiêm văcxin dịch vụ vì "lợi bất cập hại".

Lợi nhỏ, hại lớn?

Hiện tại chưa nên triển khai tiêm văcxin dịch vụ khi nguồn cung còn rất thiếu. Nói ngắn gọn, là vì “lợi bất cập hại”. Tức là, cái lợi thì rất nhỏ, mà cái hại đưa lại cho công tác phòng chống dịch Covid-19 là rất lớn.

Tiêm chủng dịch vụ là hình thức cơ sở y tế (công, tư) thực hiện “bán dịch vụ tiêm văcxin phòng Covid-19” cho người có khả năng chi trả theo phương châm càng trả nhiều tiền, càng có cơ hội cao giành "quyền được tiêm văcxin sớm, văcxin tốt"...

Tổ chức tiêm chủng cho dân tại TPHCM.

Tổ chức tiêm chủng cho dân tại TPHCM.

Dịch càng bùng phát dữ dội, yêu cầu triển khai tiêm văcxin càng khẩn cấp, lực lượng y tế càng có nguy cơ thiếu hụt, văcxin tốt càng khan hiếm trên thị trường, “giá tiêm chủng” càng được "điều chỉnh" cao theo thị trường... 

Đối tượng phục vụ của triển khai tiêm chủng dịch vụ là người có khả năng chi trả theo yêu cầu "doanh nghiệp y tế" đưa ra. Thiểu số này, không luôn đồng nghĩa với người cần được tiêm văcxin sớm nhất, tạo hiệu lực chống dịch tốt nhất cho toàn cộng đồng.

Trong khi đó, tác động ngay lập tức là hệ thống nhân lực y tế bị phân hóa xoay theo thị trường. Lợi nhuận có sức mạnh siêu hình điều phối dòng chảy nhân lực y tế đi theo phục vụ "cân bằng thu chi" sao cho "dương nhất", nguồn cung văcxin từ bên ngoài đổ vào Việt Nam bị làm phức tạp lên, đưa lại nguy cơ phá vỡ các nguyên tắc đạo đức làm cơ sở cho hoạch định chính sách sử dụng văcxin trong chống dịch Covid-19 trên thế gới khi nguồn cung văcxin còn thiếu như hiện nay.

Chờ đợi trước khi tiêm .

Chờ đợi trước khi tiêm .

Cụ thể, với Việt Nam, tiêm chủng dịch vụ sẽ thách thức chính sách tiêm văcxin lúc này đang cần được tuân thủ hơn bao giờ hết:

1 - Đảm bảo đưa lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, giảm thiểu nhanh nhất sự lan truyền dịch bệnh, giảm số mắc có biểu hiện lâm sàng nặng phải điều trị ở bệnh viện, giảm tỷ lệ tử vong;

2 - Giảm thiểu sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe - người/cộng đồng có nhu cầu chăm sóc khẩn thiết hơn, phải được tiếp cận chăm sóc sớm hơn;

3 - Bảo vệ hệ thống y tế khỏi nguy cơ bị khủng hoảng nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp chống dịch một cách hiệu quả, đồng bộ và bền vững theo thời gian dịch lưu hành;

4 - Đảm bảo minh bạch và giải trình trách nhiệm trên toàn hệ thống chống dịch.

Tức là trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, nguồn văcxin có được phải được tập trung nhập vào, tổ chức quản lý, phân phối, tổ chức tiêm "đúng người, đúng thời gian, đúng vị trí" miễn phí, theo dẫn dắt của khoa học phòng chống dịch trên thực tế, bất kể khả năng chi trả của người dân ra sao. Nghĩa là, trong phòng chống khẩn cấp sự lây lan của dịch, Nhà nước phải sử dụng hệ thống nhân lực y tế có được cho lợi ích cao nhất bảo vệ sức khỏe toàn dân trước nguy cơ tàn phá của dịch bệnh. Không thể và không có cơ sở khoa học nào để cho thị trường tham gia điều tiết nhân lực y tế theo mục tiêu thương mại khi dịch bệnh đang diễn ra nguy cấp. Bởi dịch bệnh xảy ra, y tế trở thành "tuyến đầu chịu trận", để tình trạng hệ thống y tế, dù chỉ là một phần, khi dịch bệnh xảy ra lại chay theo phục vụ "làm kinh tế, tối đa hóa lợi ích thương mại". Về mặt đạo đức là chắc chắn không thể chấp nhận được, còn về tác động xã hội, thì nguy cơ gây ra hậu quả khôn lường là khó tránh khỏi.

Không nước nào tiêm thu phí chống dịch Covid-19

Bởi thế, khi có văcxin phòng Covid-19 đầu năm nay, không nước nào là không làm danh sách ưu tiên được tiêm theo khuyến cáo của khoa học dịch tễ học, rồi thực hiện điều chỉnh dần theo thời gian khi văcxin có sẵn hơn và diễn biến thực tế dịch bệnh. Trong mọi phiên bản "đối tượng ưu tiên" đó, không có chỗ cho mục tiêu làm kinh tế, không mảy may nhắc đến "dành cho người có khả năng chi trả cao hơn".

Tiêm chủng văcxin Covid-19.

Tiêm chủng văcxin Covid-19.

Không nước nào, lại tổ chức thực hiện tiêm chủng thu phí để chống dịch Covid-19. Bởi sự "mất tiền" từ "tiêm miễn phí" này, thực ra, là chẳng mất gì cả. Trong khi "được" là toàn hệ thống nguồn lực y tế, tập trung dưới tay nhà nước, nhất thể tạo nên sức mạnh tổng hợp đi theo một kế hoạch chống dịch dẫn đường bởi khoa học dịch tễ học.

Còn lãi từ tiêm chủng thu phí chẳng bù được cho việc làm trầm trọng thêm sự thiết hụt văcxin trong tình hình hiện nay, nhất là nếu để xảy ra tình trạng không đáp ứng kịp thời cho cho nhu cầu chống dịch khẩn cấp (nơi cần nhất, người cần nhất, lại không có văcxin).

Lãi trong tổ chức tiêm văcxin dịch vụ có lớn đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là hạt cát so với núi phí tổn bỏ ra từ sự chậm trễ kiểm soát dịch bệnh, để xảy ra tình trạng rối nhiễu hệ thống y tế trước yêu cầu đặt ra từ công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp.

Mỹ - nơi ra đời văcxin sớm nhất phòng chống Covid-19, nơi lực lượng y tế tư nhân còn mạnh hơn cả y tế công, đã làm như thế. Các nước có nền kinh tế thị trường điển hình như Anh, Pháp Đức, Nhật... đều làm như thế. Họ cũng như Việt Nam cho đến lúc này, nhất nhất đều tổ chức tiêm văcxin miễn phí.

TS.BS Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - RTCCD)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top