Chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử

Từ ngày 1/4/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại.

Hỏi: Tôi nghe nói năm 2024 áp dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám điện tử nhưng không rõ cụ thể như thế nào? Mong được tư vấn.

Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội)

Chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử ảnh 1

Chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử

Trả lời: Theo quy định hiện hành, nếu muốn chuyển viện lên tuyến trên và được hưởng bảo hiểm y tế với quyền lợi cao, người bệnh buộc phải có giấy chuyển tuyến.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư 43/2013/TT-BYT, chuyển tuyến được thực hiện trong các trường hợp: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến xã lên tuyến huyện, tuyến huyện lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương; Hoặc nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì được chuyển lên tuyến cao hơn.

Nhiều người dân đều cho rằng giấy chuyển viện là thủ tục hành chính rất phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của người dân.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4750/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định 130/QĐ-BYT ngày 18/1/2023 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung thêm 02 Bảng dữ liệu mới gồm bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và Bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo lộ trình, từ ngày 1/4/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1/7/2024.

Tiếp đến, theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.

Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Bà Trần Thị Trang (Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế)

Theo Đời sống
back to top