Giảm tử vong ở bệnh nhân ung thư phổi
Ông N.V.T. (73 tuổi) có tiền sử hút thuốc lá nhiều, bị khó thở nhẹ, đi khám ở nhiều bệnh viện chụp X-quang thấy giãn phế nang được kết luận COPD. Khi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã chỉ định chụp CT liều thấp (LDCT) và phát hiện khối u 11mm trên đỉnh phổi phải.
Do được phát hiện sớm giai đoạn IA, chưa có di căn hạch, chưa có di căn xa nên sau phẫu thuật đến nay hơn 1 năm ông vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Trên X-quang không phát hiện tổn thương. |
TS.BS Đoàn Tiến Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ung thư phổi (UTP) là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới và ở nam giới Việt Nam.
Do chúng ta vẫn sàng lọc UTP chủ yếu trên hình ảnh X-quang, nên tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn quá cao, bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm. Thực tế độ nhạy chụp X-quang trong phát hiện các nốt mờ UTP giai đoạn sớm không quá 50% các trường hợp và các nốt mờ dưới 10mm X-quang thường khó phát hiện được.
LDCT liều thấp phát hiện u phổi trên đỉnh phổi phải. |
Trước đây không dùng CT vào sàng lọc UTP trong cộng đồng ngoài giá thành cao thì liều xạ chụp CT quá cao gấp từ 8 – 20 lần liều xạ (tùy từng loại máy) sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Để giảm tử vong ở bệnh nhân UTP, các nước châu Âu và đặc biệt tại Mỹ họ đã đưa kỹ thuật chụp CT liều thấp thay cho X-quang để sàng lọc cộng đồng. Nghiên cứu do Viện Ung thư quốc gia Hoa kỳ thực hiện trên 53.000 đàn ông và phụ nữ từ 55 - 74 tuổi hút thuốc lá nặng.
Họ được chỉ định ngẫu nhiên sàng lọc bằng LDCT hoặc X-quang phổi tiêu chuẩn mỗi năm một lần trong 3 năm liên tiếp. Kết quả số ca tử vong do UTP giảm từ 15 - 20% trong số những người tham gia thử nghiệm được sàng lọc bằng LDCT.
Liều thấp ngang chụp X-quang
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới đưa ứng dụng kỹ thuật LDCT sàng lọc hơn 1 năm nay nhưng người dân vẫn chưa biết đến kỹ thuật này nên số ca được chẩn đoán sàng lọc rất thấp, chỉ vài ba chục ca.
Trong khi đây là một kỹ thuật đặc biệt, rất an toàn, là sự kết hợp giữa trang thiết bị hiện đại của máy CT và thuật toán vi tính phức tạp, tạo ra nhiều lát cắt mỏng, chất lượng hình ảnh đảm bảo để sớm phát hiện u phổi dù nhỏ nhất ở giai đoạn sớm trong khi liều xạ thấp ngang với liều chụp X-quang.
Chẳng hạn, với máy chụp CT 128 dãy đã hạ liều chiếu xuống 0,4mSv, tương đương với chụp X-quang phổi tư thế thẳng, còn ở máy 286 dãy liều chiếu được hạ xuống thấp hơn cả liều chụp X-quang phổi.
Hội chẩn khám chữa bệnh từ xa. |
Vì vậy, không chỉ những người có nguy cơ cao gồm: Nam giới từ 50 tuổi, hút thuốc 30 bao/năm; tiếp xúc khói, bụi, ô nhiễm nghề nghiệp, sống trong môi trường nhiễm xạ; tiền sử gia đình có người bị UTP... mà cả người dân có điều kiện từ 50 tuổi nên chụp sàng lọc UTP mỗi năm 1 lần.
Bởi UTP nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm IA, IB việc điều trị có kết quả cao (có thể khỏi hoàn toàn), nhưng nếu sang giai đoạn 2A, 2b giai đoạn II -IV thì tiên lượng xấu, bệnh dễ tái phát, tỷ lệ sống > 5 năm thấp.
Hơn nữa, việc chụp LDCT không chỉ phát hiện UTP ở giai đoạn sớm nhất mà còn có ý nghĩa trong chẩn đoán xơ vữa vôi hóa động mạch vành. Trên phim chụp này không chỉ phát hiện thấy nốt vôi hóa động mạch vành mà còn chấm điểm được nguy cơ bệnh có lâu dài không, điểm vôi hóa càng cao thì nguy cơ bệnh động mạch vành càng cao.
Đặc biệt, theo TS.BS Đoàn Tiến Lưu, nhiều trường hợp nốt mờ phổi không điển hình là u phổi, cũng không điển hình là nốt lành tính phổi, những nốt này có kích thước đủ lớn thì có thể sinh thiết chẩn đoán, những nốt nhỏ đặc biệt <8mm thì rất khó sinh thiết. Vì vậy, cần phải theo dõi trong vòng 2 - 3 năm.
Trong trường hợp này tùy theo mức độ nghi ngờ sẽ phát chụp CT từ 3 - 6 tháng/lần. Nếu chụp CT thông thường 3 - 6 tháng/lần sẽ rất nguy hiểm, liều tia xạ nhiều và cao tích lũy trong cơ thể, vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây nguy cơ bệnh lý ung thư về máu, tuyến giáp, buồng trứng, tinh hoàn, tủy xương... Vì vậy, việc dùng LDCT sẽ an toàn cho bệnh nhân.