Bệnh tê thấp khó chữa, dễ mắc.
Bệnh tê thấp do 3 loại khí: phong, hàn và thấp gây nên làm cho khí huyết không lưu thông. Hệ thống kinh lạc bị bế tắc, gây nên triệu chứng đau nhức các khớp xương, sưng tấy, vận động khó khăn, đi lại chậm chạp, người mệt mỏi ăn ngủ kém.
Đông y chia làm 4 loại tê:
*Tê phong: Đau các khớp xương, đau lan xung quanh khớp, co duỗi khó, sợ lạnh, mạch chậm.
*Tê hàn: Đau nhức nặng hơn, đau cố định ở một vùng, càng lạnh càng đau, vận động khó, không đỏ, không sưng nhưng đau buốt, mạch căng.
*Tê thấp: Đau nhức nhiều ở các khớp, đau di chuyển từ khớp nọ sang khớp kia, co duỗi vận động khó khăn, mạch chậm.
*Tê nhiệt: Các khớp sưng, nóng, đỏ, đau càng nóng càng nhức, co duỗi vận động rất đau, mạch nhanh, ra mồ hôi. Dưới đây là các món ăn vị thuốc, bạn đọc lựa chọn xem ở thể nào để áp dụng cho thích hợp.
Canh cá với xuyên khung bạch chỉ: Đầu cá to hay nhỏ tùy theo. Xuyên khung 9g, bạch chỉ 9g. Đầu cá đã rửa sạch chặt làm đôi, cho vào nấu canh cùng 2 vị thuốc, khi chín nêm gia vị vừa đủ ăn cả cá lẫn nước. Cách một ngày lại ăn một bữa.
Món canh này có tác dụng cho tất cả các loại tê thấp, làm cho hoạt huyết thông kinh lạc, trừ thấp, giảm đau, trấn tĩnh, an thần, cả nam và nữa đều dùng được ăn rất bổ và hiệu quả chữa bệnh rất cao.
*Thịt rắn hầm với rễ cây hồ tiêu: Thịt rắn 200g, rễ cây hồ tiêu 50g, cho lượng nước vừa phải hầm thịt rắn với rễ cây lá tiêu. Khi thịt chín nêm gia vị vừa đủ ăn tuần 2 lần. Món này có tác dụng khử phong thấp khỏi tê đau, nhức nhối, bổ can thận, đi lại dễ dàng hơn.
*Rượu phân tằm: Rượu gạo ngon 500ml, phân tằm 60g. Cho phân tằm vào rượu nấu sôi 15 phút dùng vải gạc bọc bã, uống nước trong mỗi ngày 20 ml. Rượu này có tác dụng khử phong trừ thấp hoạt huyết, hành khí, điều trị bệnh phong thấp rất hiệu quả.
*Rượu dâu tây: Có thể dùng dâu ta đen đều được: Rượu trắng 1 lít, dâu quả 500g. Ngâm dâu với rượu 7 ngày sau đó gạn bỏ bã, uống dần ngày 2 thìa sáng, tối. Rượu ngâm dâu có tác dụng chữa các loại tê thấp, hoạt huyết, dưỡng huyết, làm cho các gân cơ, dây chằng mềm mại, thông kinh hoạt lạc, hết đau, an thần, tinh thần sảng khoái.
Để đạt hiệu quả, tốt nhất cần điều trị đúng thể loại, đủ thời gian, kết hợp với chế độ luyện tập đều đặn, tăng cường sức đề kháng cơ thể. Chú ý phòng chống rét, chống lạnh đột ngột, chống ẩm thấp, không tắm khuya sẽ giúp rất nhiều trong việc phòng chống bệnh tê thấp.
BS Kim Ngân
(Phòng khám phố Vĩnh Hồ, Hà Nội)