Chọn miễn dịch cộng đồng là rất phiêu lưu

(khoahocdoisong.vn) - Khi số người nhiễm virus vượt quá 50% trong cộng đồng thì sẽ hình thành miễn dịch cộng đồng, nghĩa là con người tự có sức đề kháng để đánh bại virus. Nhưng theo các chuyên gia, Covid-19 là loại virus chưa thể giải mã nên áp dụng phương pháp này là rủi ro lớn.

Không thể thả nổi Covid-19 ở Việt Nam

Nhiều ý kiến xung quanh ý tưởng thả nổi dịch Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng của Anh. Mới đây truyền thông dẫn lời ông Patrick Vallance, cố vấn cao cấp về khoa học của Chính phủ Anh về “ý tưởng miễn dịch cộng đồng”, rằng cần 60% người Anh bị nhiễm virus corona mới để có miễn dịch cộng đồng. 

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương, miễn dịch cộng đồng là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm diễn ra khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn. Từ đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch, chưa bị nhiễm. Đó có thể gọi là hình thức miễn dịch tự nhiên, ai có sức đề kháng tốt thì người đó sẽ vượt qua. Những người có sẵn các bệnh nền, sức đề kháng yếu thì sẽ bị virus tấn công. Đối với dịch Covid-19, áp dụng miễn dịch cộng đồng là rất nguy hiểm. Ở một số nước có hệ thống y tế phát triển, không bị áp lực dân số, họ có thể chữa trị cho cùng lúc rất đông người, thì có thể mạo hiểm áp dụng phương pháp miễn dịch cộng đồng để tạo ra hệ miễn dịch tự nhiên. Nhưng điều này cũng còn nhiều tranh cãi.

“Về lý thuyết, miễn dịch cộng đồng là có thật. Ví dụ như bệnh cúm mùa ở Việt Nam, gần như đã tạo ra được hệ miễn dịch cộng đồng ổn định. Đó là lý do mà rất ít người quan tâm đến tiêm văcxin phòng cúm mùa, nếu có bị cúm thì cũng chỉ một vài ngày là khỏi, không bị biến chứng gì nặng. Trong khi ở các nước Châu Âu, đa phần người dân đều tiêm văcxin cúm mùa, do họ chưa hình thành miễn dịch cộng đồng với loại bệnh này. Nhưng với Covid-19, Việt Nam không thể áp dụng phương pháp miễn dịch cộng đồng vì hệ thống y tế của chúng ta còn yếu, bình thường đã quá tải. Nếu số người bệnh tăng cao đột biến, số giường bệnh không thể đáp ứng điều trị, trong khi Covid-19 lây lan nhanh, không có văcxin, tỉ lệ tử vong cao, thì hậu quả sẽ rất lớn”, PGS.TS Phạm Thị Khoa phân tích.

Không thể mang con người ra làm thử nghiệm

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, với các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe thì phải có kiểm soát, không thể mang con người ra làm thử nghiệm. Liên quan đến tính mạng con người thì phải có các biện pháp kiểm soát để hạn chế thấp nhất hậu quả. Nếu để cho lây lan ra thì cực kỳ nguy hiểm. Tỉ lệ người chết vì Covid-19 ở một số nước Châu Âu cao là bởi tỉ lệ người cao tuổi ở những nước này rất lớn. Với những người trên 70 tuổi đã có sẵn các bệnh nền thì virus Covid-19 tấn công sẽ là “thảm họa”. Như thế, lựa chọn miễn dịch cộng đồng ở những nước này sẽ là rất “phiêu lưu”. Người ta chỉ áp dụng miễn dịch cộng đồng khi đã có văcxin phòng bệnh và giải mã chính xác loại virus đó.

Thực tế, Anh hiện bị chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp ngăn chặn chứ không phải thả nổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Để phòng chống dịch bệnh, Việt Nam hiện làm rất tốt, huy động cả hệ thống tham gia chống dịch, ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời. Chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt, thì mới chống dịch thành công.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top