Việt Nam dự kiến vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong quý II và quý III. Đồng thời bắt đầu nâng lãi suất kể từ quý IV theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của thế giới.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra nhận định chính sách tiền tệ các ngân hàng trung ương trên thế giới trong bối cảnh lạm phát sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Tình trạng lạm phát thế giới duy trì xu hướng tăng mạnh trên toàn cầu. Chỉ số BCOM-Index, thước đo lạm phát giá cả hàng hóa đã đạt 29,32 (tăng 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái) vào ngày 25/3. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2017.
Đồng thời chỉ số CIS, thước đo trung bình giá cả các containers vận tải trên toàn cầu cũng tăng mạnh và đạt 164,12 (tăng 86,75% so với cùng kỳ năm ngoái) vào cuối tháng 1.
Tác động của việc giá dầu lên cao dự kiến cũng sẽ khiến cho khả năng nhiều quốc gia đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt kể từ cuối năm 2021 đến nay để đối phó với lạm phát.
Còn ngân hàng trung ương Trung Quốc thì đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng do lạm phát hiện tại ở mức thấp. Quốc gia này nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế đang tăng trưởng chậm do chính sách “Zero COVID”.
Đối với các quốc gia ở ASEAN 6, trừ Singapore đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, khối ASEAN 5 còn lại được cho vẫn duy trì chính sách tiền tệ hiện tại.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành kể từ quý III trước áp lực gia tăng chi phí đầu vào như hiện tại. Đặc biệt là chi phí nhiên liệu, thực phẩm do cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.