Chỉnh gù do dị tật đốt sống cho bệnh nhân 33 tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Bị dị tật nửa thân đốt sống L4 gây biến dạng gù cột sống, làm teo cơ, đi lại tập tễnh, cô gái 33 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phẫu thuật loại bỏ thân đốt sống dị tật và nắm chỉnh gù phức tạp thành công.

Cả gù, vẹo và liệt rễ thần kinh nhưng không dễ chẩn đoán

Bệnh nhân nữ (33 tuổi, Hà Nội), đến khám vì teo cơ và đi lại tập tễnh từ lâu. Bệnh nhân cho biết, đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa tìm ra bệnh, có nơi cảnh báo có thể tử vong trên bàn mổ... Bệnh ngày càng nặng, chân teo và liệt nhiều, khi đến khám tại Bệnh viện đại học Y Hà Nội, các bác sĩ kết luận chị bị gù vẹo cột sống bẩm sinh và chỉ định phẫu thuật.

Hình ảnh dị tật cột sống trước và sau phẫu thuật.

Hình ảnh dị tật cột sống trước và sau phẫu thuật.

ThS.BSNT Trần Trung Kiên, Khoa Phẫu thuật thần kinh – cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, dị tật vẹo cột sống bẩm sinh là khiếm khuyết xảy ra khi đốt sống hình thành không đầy đủ trong quá trình phát triển bào thai. Mặc dù vẹo cột sống bẩm sinh hiện diện ngay sau khi sinh, nhưng đôi khi nó không được phát hiện kịp thời, đặc biệt là các dị tật vùng thắt lưng cùng (tỷ lệ trẻ được phát hiện khi mới sinh là 1/10.000, ít gặp hơn do với các loại vẹo cột sống vô căn, bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên). Đây là một loại dị tật nguy hiểm để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan xung quanh và đặc biệt nhiều trẻ vẹo cột sống bẩm sinh có kèm theo dị tật của bàng quang, thận, hệ thần kinh, hệ tim mạch.

Nặng hơn vẹo cột sống bẩm sinh là gù cột sống. Những đốt sống có thể hợp nhất với nhau hoặc dị dạng dẫn đến gù. Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến nhiều vị trí của cột sống và thường gây đau nhức với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Dị tật nửa thân đốt sống có thể gây vẹo, gù hoặc hỗn hợp cả gù cả vẹo, đặc biệt, biến dạng gù có thể gây liệt tiến triển. Nếu nửa thân đốt sống ở vùng cột sống ngực thì rất dễ phát hiện, nhưng nếu ở thắt lưng, đặc biệt thắt lưng thấp thì phát hiện không hề dễ và dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác: Thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa....

Theo ThS.BSNT Trần Trung Kiên, đối với những bệnh nhân dị tật thân đốt sống phải được phát hiện sớm và theo dõi sát. Đối với trẻ nhỏ, đi khám và chụp chiếu, đánh giá sự tiến triển của đường cong cột sống là cần thiết. Việc đi khám sẽ được ấn định cách nhau 3, 6 hoặc 12 tháng, tuỳ thuộc hình thái của biến dạng bẩm sinh và lứa tuổi của trẻ. Riêng đối với biến dạng gù cột sống, việc mổ sớm sẽ ngăn chặn sự tiến triển của đường cong, tránh các biến chứng chèn ép thần kinh hoặc tuỷ sống, có thể gây liệt cho người bệnh.

Trường hợp của bệnh nhân trên, do gù ở phần thắt lưng thấp nên không được phát hiện sớm, bệnh tiến triển nặng nên ca mổ rất khó khăn. “Trong gần 6 tiếng, chúng tôi đã rất khó khăn để vừa bóc tách, bảo tồn các rễ thần kinh, vừa loại bỏ được dị tật nửa thân đốt L4 thể sau bên ở cả 2 bên, sau đó thực hiện kỹ thuật chỉnh gù vô cùng phức tạp: cắt một phần thân đốt sống hình chêm, đặt lồng titan và miếng ghép đĩa đệm nắn chỉnh, cố định cột sống thắt lưng qua khớp đốt sống cùng thứ 2 (S2) và khớp cùng chậu”, ThS.BSNT Trần Trung Kiên cho biết.

Đường cong cột sống cần chỉnh.

Đường cong cột sống cần chỉnh.

Cần phát hiện và điều trị sớm 

ThS.BSNT Trần Trung Kiên cho biết thêm, gù vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ khiến dáng đi nghiêng vẹo, làm tăng các triệu chứng đau lưng thường xuyên, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống và các bệnh lý khác. Nếu vẹo 50 - 60 độ, các chức năng hô hấp và tim mạch sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, các biến dạng cột sống bẩm sinh thường kèm thêm nhiều bệnh khác như sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹt, bẹp lồng ngực, méo xương chậu... đặc biệt là các thể biến dạng cột sống khởi phát sớm, việc biến dạng gây chèn ép các cơ quan xung quanh là rất nặng, có thể dẫn đến suy chức năng hô hấp, tim mạch và tử vong. 

Phẫu thuật chỉnh hình cột sống rất phức tạp, đa phần bệnh nhân phải tiến hành mổ phối hợp 2 đường: phía trước để lấy đĩa đệm giải phóng đoạn cứng, lối sau để nắn chỉnh cột sống bắt vít và hàn xương... Bệnh càng để lâu phẫu thuật càng khó khăn.

Vì vậy, ngay từ bé, cha mẹ cần luôn quan sát, nhắc nhở trẻ đi đứng, ngồi học đúng tư thế. Nếu phát hiện thấy trẻ có biểu hiện: 2 vai không cân nhau; 2 hông không cân nhau; đầu không ở chính giữa so với cơ thể; Khi trẻ cúi về phía trước, lưng sẽ cao thấp 2 bên không bằng nhau; Đám lông hoặc mảng sắc tố da bất thường; Khối gồ lên ở xương sườn hoặc sau lưng; Đau, giật cơ chi dưới; Bàn tay, bàn chân dị tật; Khó nghe; Rối loạn cơ thắt bàng quang (bí tiểu, tiểu dầm)... thì cần cho trẻ đi khám chuyên khoa cột sống sớm.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top