Chỉ số MOBI 2020: 17 Bộ không công khai ngân sách

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ số công khai ngân sách các bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2020 vừa được các bên nghiên cứu công bố. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện. Vẫn còn 17 đơn vị không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát.
Hội thảo trực tuyến đánh giá chỉ số công khai ngân sách MOBI2020.

Hội thảo trực tuyến đánh giá chỉ số công khai ngân sách MOBI2020.

MOBI 2020 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 38 Bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ.

Trong xếp hạng MOBI 2020, Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất với 66,63 điểm quy đổi, xếp hạng công khai ở mức tương đối đầy đủ. Xếp thứ hai là Bộ Tư pháp với 48,41 điểm quy đổi. Số liệu từ cuộc khảo sát cho thấy, 61,36% cơ quan, tổ chức trong kỳ khảo sát MOBI 2020 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách. Trong nhóm “cuối bảng” bao gồm Bộ Y tế, Đại học Quốc gia TPHCM, Ủy ban Sông Mê Kông, Bộ TN&MT, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đứng "bét bảng" là NHNN.

Về Dự toán ngân sách năm 2021, có 6 đơn vị công bố đúng thời hạn, theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020; có 32 trên tổng số 44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện, tăng 5 đơn vị so với khảo sát MOBI 2019... Tuy nhiên, vẫn còn tới 17 bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (tương đương với 38,64%). Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), trong khi mức độ công khai minh bạch của các tỉnh liên tục được cải thiện thông qua đánh giá bằng chỉ số POBI hằng năm thì các cơ quan Trung ương lại không có sự tiến bộ đáng kể nào.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) Nguyễn Quang Thương cho biết,  điểm lưu ý trong báo cáo là tính kịp thời về công bố các tài liệu ngân sách theo quy định chưa được các bộ, cơ quan Trung ương chú trọng. Thậm chí, không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2020.

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, việc tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước và vai trò giám sát của Quốc hội là biện pháp đúng hướng, nhất là cần vai trò thẩm tra báo cáo dự toán, quyết toán của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, trong đó phải tăng số phiên giải trình, chất vấn làm rõ nguyên nhân/lý do của tình trạng không công khai hoặc chậm trễ trong công khai ngân sách.

Theo Đời sống
back to top