Chỉ sợ mình không giỏi

Chỉ sợ mình không giỏi chứ không sợ không có cơ hội vì ở đâu người ta cũng cần người làm được việc. Đừng đổ cho giáo dục mà hãy tự hỏi xem mình đã nỗ lực hết mình chưa.

Ảnh minh họa.

178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, con số mới được công bố khiến nhiều người giật mình. Nhưng tôi nghĩ, con số thực tế còn lớn hơn nữa bởi vì cứ nhìn cách chọn trường, chọn nghề của học sinh chúng ta hiện nay thì thấy rất không ổn.

Nhiều em chọn ngành nghề, chọn trường chỉ để sao có chỗ học, cho khỏi mang tiếng là trượt đại học, để cho có tấm bằng chứ không phải vì mình có năng khiếu, có hứng thú với ngành nghề đó. Vào trường thì cũng học dặt dẹo, đối phó, rồi khi ra trường lại tính tiếp. Thế nên  cử nhân, thạc sĩ thì cũng có dăm bảy loại.

Cậu em họ tôi tốt nghiệp một trường đại học dân lập đã 2 năm, vẫn làm linh tinh, lương 2-3 triệu đồng. Bà thím suốt ngày thở ngắn thở dài nhờ hết người nọ đến người kia xin việc cho con. Nghe bà nói chỗ này 150 triệu, chỗ kia 300 triệu… mà sốt hết cả ruột.

Cứ nghe mấy cái chuyện chạy việc này thì thấy rất bi quan, dường như xã hội cứ loạn cả lên vì cái sự “chạy” kia, chỗ nào cũng đầy rẫy tiêu cực. Nhưng ngẫm kỹ thì thấy lỗi chính là ở sự kém cỏi của chính bản thân mình. Cậu em tôi nếu giỏi giang, nếu bản lĩnh thì tự đi mà thi tuyển.

Ừ thì có thể không vào được cơ quan nhà nước (vì mấy cái vụ chạy chọt này chỉ có ở cơ quan nhà nước), vậy sao không ra thi tuyển ở các doanh nghiệp tư nhân, nếu có tiếng Anh tốt thì nộp đơn vào các công ty nước ngoài…

Con gái chị bạn tôi vừa thi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chưa biết hết điểm, vậy mà đã được một tập đoàn lớn của nước ngoài nhận. Để được nhận vào đó, cháu đã phải vượt qua 7 vòng thi tuyển. Toàn tự lực cánh sinh, không quen biết, gia đình cũng không có tiền để chạy.

Chỉ sợ mình không giỏi chứ không sợ không có cơ hội vì ở đâu người ta cũng cần người làm được việc. Thế nên trước khi đổ cho nền giáo dục còn nhiều vấn đề, xã hội còn lắm tiêu cực… mỗi người hãy tự hỏi xem mình đã cố gắng, đã nỗ lực hết mình để học tập, để thu nạp kiến thức, đã chuẩn bị kỹ cho công việc trong tương lai chưa.

Hay là mình vẫn còn dễ dãi với bản thân, thấy tiếng Anh khó thì ngại học, thấy môn chuyên ngành vất vả thì nhờ người học thay… để đến khi ra đời chẳng làm được việc gì.

             Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top