Chỉ số công khai minh bạch ngân sách: Các bộ, ngành đều ở mức thấp nhất

(khoahocdoisong.vn) - Liên minh minh bạch ngân sách (BTAP) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vừa công bố báo cáo nghiên cứu Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương - MOBI 2018. Kết quả MOBI 2018 cho thấy, 37/37 bộ, ngành đều ở mức thấp nhất (mức độ đỏ).

Có thư mục nhưng trống rỗng

Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương 2018 (MOBI 2018) là khảo sát độc lập đầu tiên tại Việt Nam nhằm đánh giá mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương. PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, MOBI 2018 được đánh giá dựa trên mức độ công khai ngân sách của 37 đơn vị trong đó có 31 Bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán ngân sách và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Khảo sát MOBI 2018 đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC gồm: Dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý I/2018; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2018; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2018; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và Quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, các Bộ, cơ quan Trung ương tại Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ quy định về công khai ngân sách. Có 37 Bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát đạt mức ít công khai, không có đơn vị nào đạt mức độ công khai đầy đủ, tương đối và chưa đầy đủ trong khảo sát MOBI 2018.

có 20/37 đơn vị không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách, 17 đơn vị có công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách hoặc có thư mục công khai ngân sách. Điểm MOBI trung bình của 17 đơn vị này là 11/100 điểm.

Xếp hạng MOBI 2018, Đài Truyền hình Việt Nam có thứ hạng cao nhất với 21,91 điểm. Đứng thứ hai là Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 19,76 điểm. Một số đơn vị đứng đầu trong chi ngân sách nhưng có số điểm rất thấp hoặc không có điểm nào. Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có tổng số chi ngân sách nhà nước lớn nhất nhưng điểm MOBI 2018 chỉ đạt 3,7 điểm, xếp thứ 13 trên tổng số 17 đơn vị có điểm MOBI 2018.

Có 25 bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (chiếm 67,57%). Trong số này, có 5 đơn vị chỉ có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử mà không có tài liệu ngân sách đính kèm (gồm có Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông). Có 20 đơn vị thậm chí không có thư mục công khai ngân sách và không công khai tài liệu ngân sách nào như: có Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Loại tài liệu được công bố nhiều nhất là Dự toán ngân sách năm 2019 với 10 trên tổng số 37 đơn vị có công bố (chiếm 27%). Xếp thứ hai là Quyết toán ngân sách năm 2017 với 6 trên tổng số 37 đơn vị có công bố (chiếm 16,2%). Bộ Tài chính là đơn vị duy nhất công bố tài liệu về Báo cáo tình hình thực hiện 9 tháng cũng như cả năm 2018.

Cần có chế tài nghiêm khắc

Thực tế, việc công khai ngân sách được quy định rất cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước 2015, Thông tư 61/2017 của Bộ Tài chính, tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, Việt Nam còn thiếu các chế tài cần thiết buộc các bộ, ngành phải công khai thông tin về chi tiêu ngân sách. Bảng xếp hạng MOBI 2018 cũng cho thấy không bộ, ngành nào thực hiện công khai thông tin chi tiêu ngân sách ở mức chưa đầy đủ, tương đối đầy đủ và đầy đủ. Tất cả 37 bộ, ngành đều được xếp vào nhóm công bố ít thông tin về chi tiêu ngân sách.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng lưu ý, khảo sát cho thấy các bộ, cơ quan T.Ư thường thiếu nội dung về báo cáo thuyết minh tài liệu, thiếu các bảng biếu bắt buộc phải công khai theo quy định. Chỉ có Bộ Công Thương là đơn vị duy nhất công khai đầy đủ thuyết minh tài liệu, quyết định công khai và bảng biểu đính kèm Dự toán thu – chi ngân sách của đơn vị năm 2019. Trên thế giới, hầu hết báo cáo tại các nước đều thuyết minh đầy đủ, giải thích các nội dung thu chi thay đổi do đâu. Trong khi ở Việt Nam công khai ngân sách thì chỉ có bảng số, “không biết vì sao tăng, giảm". Người dân bình thường hay kể cả chuyên gia nếu đọc những thông tin công bố của Việt Nam cũng sẽ khó hiểu được cụ thể các nội dung.

Đánh giá tính chính xác của nghiên cứu là 100%, đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, sau khi chấm 3 vòng, kết quả MOBI 2018 được gửi cho các bộ, ngành phản hồi. Với những bằng chứng rất chặt chẽ, phần lớn cơ bản các Bộ hài lòng với kết quả dù kết quả không được đẹp như mong muốn.

Và để thực hiện tốt hơn các quy định về công khai ngân sách, PGS.TS Vũ Sỹ Cường khuyến nghị "Quốc hội cần giám sát việc công khai ngân sách và có thể xem hoạt động công khai ngân sách như một trong những điều kiện đánh giá hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan trung ương".

Ông Phạm Đình Cường, chuyên gia tài chính công của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng: “Công khai minh bạch cái gì cũng khó, đặc biệt là tài chính thì còn khó hơn. Vì thế nghiên cứu MOBI 2018 sẽ tạo những đột phá trong cải cách hành chính. Luật đã có quy định phải công khai rồi, đơn vị nào không thực hiện thì người đứng đầu các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm. Phải có chế tài xử lý nghiêm khắc. Minh bạch là liều thuốc rất tốt cho mọi công tác quản lý”.

Với mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch, giải trình và quản lý ngân sách công, cùng với POBI (Chỉ số công khai ngân sách tỉnh), MOBI 2018 cung cấp một bức tranh toàn cảnh về mức độ công khai ngân sách ở Việt Nam. Việc công khai không chỉ tạo cầu nối cho người dân, chuyên gia và các bên liên quan đóng góp và tham gia vào quản lý ngân sách nhà nước, tạo niềm tin của công chúng đối với việc quản lý và công khai ngân sách nhà nước mà còn nhằm cải thiện hiệu quả thu chi ngân sách từ Trung ương đến địa phương.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top