ChatGPT: Trí thông minh nhân tạo được sử dụng… “đạo văn”

Các giáo sư đại học ở Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sinh viên có thể tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để “đạo văn”. AI thông minh tới nỗi có thể qua mặt mọi công cụ kiểm tra đạo văn phổ biến hiện nay.

ChatGPT - một chương trình chatbot cho phép người dùng gửi câu hỏi và nhận được câu trả lời tự động, chỉ vừa mới được ra mắt vào tháng 12/2022, đã thu hút được hàng chục triệu người sử dụng chỉ sau một tháng. Ít ngày sau khi chatbot được ra đời, các giáo sư đại học hàng đầu đã lên tiếng cảnh báo về sự thông minh “một cách vượt trội” của công cụ này, nhất là khi các sinh viên sử dụng chúng để gian lận.

Trong một bài đăng trên tạp chí New York Post, một giáo sư đại học ở Nam Carolina đang gióng lên hồi chuông cảnh báo sau khi bắt gặp một sinh viên sử dụng ChatGPT để viết một bài luận cho lớp triết học của mình.

Công cụ chat GPT tự viết bài luận theo yêu cầu của người dùng. Ảnh: Trần Trân

Công cụ chat GPT tự viết bài luận theo yêu cầu của người dùng. Ảnh: Trần Trân

Điều đáng nói, do đặc tính độc nhất của những câu trả lời mà ChatGPT đưa ra, không có cách nào để các công cụ kiểm tra đạo văn đang được các trường đại học sử dụng phổ biến hiện nay, có thể phát hiện rằng bài luận được viết bởi máy tính.

"Giới học thuật gần như không thể ngờ đến việc này. Vì vậy, chúng tôi gần như bị che mắt bởi nó," Darren Hick, phó giáo sư ngành triết học của Đại học Furman nói. "Đó là một văn phong khá mạch lạc và trôi chảy. Nhưng nó vẫn có thể bị nhận ra. Tôi muốn nói rằng nó giống như một bài luận được viết bởi một học sinh lớp 12 vốn rất thông minh", ông nhận xét về bài luận được viết bởi ChatGPT.

Điểm mấu chốt trong vấn đề này là ChatGPT tạo ra các câu trả lời độc lập và khác nhau hoàn toàn cho cùng một câu hỏi giống nhau. Điều này có nghĩa, các câu trả lời sẽ “trông có vẻ như” không hề là đạo văn, dù rõ ràng đây là một hình thức gian lận.

ChatGPT tự giải thích chính bản thân mình theo câu hỏi của người dùng. Ảnh: Trần Trân

ChatGPT tự giải thích chính bản thân mình theo câu hỏi của người dùng. Ảnh: Trần Trân

Không chỉ có khả năng đưa ra câu trả lời, ChatGPT còn có thể dịch câu trả lời ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tác giả đã yêu cầu ChatGPT tự mô tả chính mình và dịch câu trả lời ra tiếng Anh và tiếng Trung.

Có thể thấy, công cụ này có khả năng nhận biết rất nhiều ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt. Khả năng ngôn ngữ của ChatGPT được đánh giá là hoàn thiện, khi nó có thể đưa ra các câu trả lời với văn phong tự nhiên hơn nhiều so với các công cụ dịch tự động phổ biến hiện nay.

Sức mạnh của AI

Được đào tạo bởi kho tài liệu khổng lồ từ internet, ChatGPT có khả năng đưa ra câu trả lời cho mọi câu hỏi, thậm chí còn có thể giải thích cặn kẽ từng vấn đề cho người dùng. Mới đây, giáo sư Christian Terwiesch, đã cho ChatGPT thực hiện bài kiểm tra cuối kỳ của Quản lý hoạt động – một môn cốt lõi của chương trình MBA tại trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nơi ông đang công tác.

Bản thân giáo sư Christian Terwiesch đã tỏ ra kinh ngạc tột độ và nhận xét rằng, ChatGPT đã "thể hiện một cách tuyệt vời ở các câu hỏi phân tích quy trình và quản lý hoạt động cơ bản, bao gồm cả những câu hỏi dựa trên các case study điển hình."

Tuy nhiên, ChatGPT cũng không phải không có điểm yếu, AI này chỉ được cập nhật thông tin cho tới năm 2021 – nghĩa là những sự kiện diễn ra sau năm này – đơn giản như đội bóng nào vừa Vô địch World Cup 2022 – cũng nằm ngoài sự hiểu biết của nó. Ngoài ra, ChatGPT cũng bị giới hạn ở một số lĩnh vực nhạy cảm, ví dụ như đầu tư tài chính hay đưa ra các tư vấn về cổ phiếu.

ChatGPT sẽ liên tục được cập nhật nhưng hiện tại vẫn thiếu sót nhiều tính năng. Ảnh: Trần Trân

ChatGPT sẽ liên tục được cập nhật nhưng hiện tại vẫn thiếu sót nhiều tính năng. Ảnh: Trần Trân

Thêm vào đó, những câu trả lời của ChatGPT vẫn có nhiều sai sót và không có dẫn nguồn, người dùng cũng được chính OpenAI khuyến cáo rằng không nên tin tưởng hoàn toàn vào những câu trả lời mà ChatGPT đưa ra, chỉ nên coi đó như những thông tin mang tính tham khảo và vẫn cần thực hiện hậu kiểm.

Mặc dù vậy, nên nhớ rằng ChatGPT mới chỉ được Open AI tung ra như một bản thử nghiệm miễn phí tới người dùng và quan trọng nhất, công cụ này có khả năng học hỏi. Dù kiến thức của nó bị giới hạn ở năm 2021, nhưng nó vẫn có khả năng học từ chính câu hỏi của người dùng. Hãy thử tưởng tượng các phiên bản tiếp theo được ra mắt trong thời gian tới sẽ thông minh tới mức nào – khi mà bản thân phiên bản đầu tiên của ChatGPT đã vượt xa trí tưởng tượng của rất nhiều người./.

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
back to top