Một bệnh viện ở TP Cali, Colombia đã sử dụng phương pháp mới để chẩn đoán bệnh ung thư vú đó là nhờ vào cảm giác của những người khiếm thị.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, mỗi năm, ở Colombia có 2.500 trường hợp tử vong và 7.000 trường hợp mới bị phát hiện ung thư vú. Chẩn đoán sớm bằng xúc giác đã trở thành một công cụ giá trị trong cuộc chiến chống ung thư vú ở quốc gia này.
Theo các chuyên gia, những người khiếm thị có xúc giác tốt hơn hẳn người bình thường, họ có khả năng phát hiện ra những khối u rất nhỏ. Hiện nay, tại bệnh viện ở TP Cali có 5 phụ nữ khiếm thị đã được đào tạo để khám lâm sàng cho các bệnh nhân.
5 phụ nữ này đều trong độ tuổi từ 25 – 35 tuổi, không bị các vấn đề liên quan đến mạch hoặc thần kinh, vốn là những vấn đề có thể làm giảm sự nhạy cảm của họ, đã được lựa chọn với vai trò là trợ lý kiểm tra sức khỏe bằng xúc giác.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, nếu tự kiểm tra, người bệnh có thể phát hiện ra các khối u có đường kính từ 15 – 20mm, bác sĩ có thể tìm thấy khối u khoảng 10mm, trong khi người khiếm thị có thể phát hiện khối u nhỏ chỉ khoảng 8mm.
Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng cho biết, sử dụng phương pháp này làm cho bệnh nhân thoải mái hơn rất nhiều so với chẩn đoán bằng phương pháp truyền thống.
Mai Nguyễn (tổng hợp)