Chăm sóc trẻ khi dịch cúm “vào mùa”

Tiêm văcxin là biện pháp hiệu quả để phòng cúm. Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, các gia đình cần chú ý đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng…

Cẩn thận biến chứng viêm cơ tim và đồng mắc các virus

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi T.Ư cảnh báo, bệnh cúm thường gặp ở Việt Nam và các nước trong khu vực do virus cúm A và B, có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng. Bệnh có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày.

Bên cạnh đó, với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi, đủ tuổi tiêm văcxin ngừa cúm nhưng hầu hết số trẻ này chưa được gia đình cho đi tiêm.

cum-nang-3.jpg
Chăm sóc trẻ khi dịch cúm “vào mùa”

Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 - 10. Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dương tính. Nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm não với biểu hiện như: trẻ phản ứng chậm chạp, sốt cao, lơ mơ, li bì…

Đặc biệt, Covid-19 đang quay trở lại đe dọa nguy cơ “dịch chồng dịch” cùng với cúm và các bệnh hô hấp nguy hiểm. Trẻ em và người lớn có thể bị đồng mắc với các virus khác như virus cúm, virus hợp bào hô hấp và các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp khác. Về bản chất cả virus Covid-19 và virus cúm đều có thể tấn công phổi, có khả năng gây viêm phổi, tình trạng đồng nhiễm có thể làm tăng tỷ lệ suy hô hấp thở máy lên hơn so với chỉ nhiễm một loại, đặc biệt là trên nhóm trẻ ở độ tuổi đến trường hoặc trẻ có bệnh nền (bệnh tim bẩm sinh, hen, béo phì…) mà chưa tiêm phòng văcxin ngừa Covid-19.

Cúm mùa có thể gây biến chứng viêm tim (viêm cơ tim), não (viêm não) hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan (suy hô hấp, suy thận).

Hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp đúng

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và Các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi T.Ư, trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý các điều sau:

Hạ sốt cho trẻ: Nới rộng quần áo cho trẻ. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được). Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của Bác sĩ, mỗi 4 - 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ C.

Vệ sinh đường hô hấp: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn.

Hằng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

Phòng lây nhiễm: Cách ly trẻ tương đối như hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Các loại văcxin cúm phòng bệnh cúm mùa

Hiện nay, tại Việt Nam đã có văcxin cúm thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng virus cúm nguy hiểm đang lưu hành, có thể gây thành đại dịch và tử vong cao là 2 chủng cúm A (A/H1N1), (A/H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Hiệu quả phòng bệnh do cúm với các chủng virus có trong văcxin khoảng 2 - 3 tuần sau tiêm. Thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm thường 6 - 12 tháng"

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top