Ảnh minh họa
Bệnh nhân Phạm Văn Tuyến (Thái Bình) trước kia không có biểu hiện gì đặc hiệu, nhiều năm qua, bệnh nhân chỉ thi thoảng bị ho, đau ngực và điều trị theo viêm phế quản, bệnh nhân vẫn ăn ngủ, sinh hoạt và học tập bình thường. Tuy nhiên, vừa qua, đột nhiên Tuyến bị đau ngực đột ngột, khó thở đã nhập một bệnh viện, được các bác sĩ mở dẫn lưu, chẩn đoán tràn dịch màng phổi. Song sau mở dẫn lưu, bệnh nhân càng tức ngực, khó thở nhiều hơn.
Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Phổi T.Ư trong tình trạng sốt, đau ngực phải không dứt, sau khi làm xét nghiệm, được chụp CT, MRI lồng ngực, kết quả phát hiện khối u trung thất lồng ngực bên phải, kích thước quá lớn 12 x 16cm, khối u vỡ, tràn dịch màng phổi, đặt xông không thể ra dịch, bởi quá nhiều dịch nhầy đặc. Các bác sĩ đã kịp thời rút xông để bệnh nhân bớt đau rồi hội chẩn tiến hành mổ nội soi.
PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, với trường hợp bệnh nhân này có khối u to, phổi xẹp, chèn ép các mạch máu lớn và tim, phổi. Nếu không được phẫu thuật nhanh cháu có thể tràn dịch nhiều vào phổi, chèn ép các cơ quan nội tạng khác mà tử vong. Chúng tôi đã tiến hành mổ nội soi chỉ 3 lỗ nhỏ, quay camera trên màn hình, cắt bỏ, vét, hút toàn bộ dịch, và giữ được toàn bộ lá phổi cho cháu.
Phẫu thuật nội soi trung thất là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm, và giúp bệnh nhân không cần mở lồng ngực, mất máu ít, không để lại sẹo. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, chụp tim phổi bình thường, không mờ như trước.
U trung thất có thể chỉ biểu hiện bằng hình ảnh khối U trên phim chụp X-quang mà không có Hội chứng trung thất trên lâm sàng. Ngược lại, có hội chứng trung thất trên lâm sàng chưa hẳn là do bị U trung thất (tràn dịch, tràn khí hoặc viêm trung thất đều có thể có Hội chứng trung thất). Do vậy, bệnh nhân cần phát hiện sớm điều trị bệnh.
Phạm Hằng