Cắt u buồng trứng xoắn hoại tử, bảo vệ thai nhi 24 tuần tuổi

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa thực hiện loại bỏ khối u buồng trứng xoắn, hoại tử cho thai phụ đang ở tuần 24 của thai kỳ, bảo vệ thai nhi vẫn khỏe mạnh, an toàn trong bụng mẹ.

Sáng 21/9, thai phụ có cơn đau bụng dữ dội, tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khám và được chỉ định nhập viện tại khoa Sản bệnh A4. Khai thác bệnh sử, thai phụ đã biết có u buồng trứng trước khi mang thai tuy nhiên không can thiệp. Xác định đây là ca bệnh phức tạp, u buồng trứng xoắn trên thai phụ đang ở tuần thai khá lớn, các bác sĩ băn khoăn giữa việc nên mổ mở hay mổ nội soi cho bệnh nhân.

TS. BS Lê Thị Anh Đào,Trưởng khoa Phụ A5 hội chẩn với bác sĩ cao cấp Đỗ Khắc Huỳnh - Phó giám đốc Bệnh viện chỉ đạo mổ nội soi cắt khối u. Ca mổ được thực hiện bởi TS. BS. Lê Thị Anh Đào, khối u tím hoại tử được loại bỏ thành công một cách khéo léo. 2 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ, thai nhi vẫn khoẻ mạnh và an toàn trong bụng mẹ.

Thăm khám cho thai phụ sau phẫu thuật

Thăm khám cho thai phụ sau phẫu thuật

Các chuyên gia cho biết, u buồng trứng xoắn là một cấp cứu phụ khoa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

Xoắn buồng trứng là tình trạng xảy ra khi buồng trứng bị xoắn quanh dây chằng giữ nó đúng vị trí. Hiện tượng xoắn này làm cắt đứt lưu lượng máu đến buồng trứng và ống dẫn trứng. Xoắn buồng trứng gây đau dữ dội và các triệu chứng khác vì buồng trứng không nhận đủ máu nuôi. Nếu việc hạn chế máu tiếp tục quá lâu, nó có thể dẫn đến chết mô buồng trứng.

Các triệu chứng của xoắn buồng trứng có thể bao gồm: Khối u buồng trứng; Đau vùng chậu dữ dội hoặc chỉ đau lâm râm; Buồn nôn; Nôn; Sốt...

Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ ở mọi lứa tuổi, đều có thể bị xoắn buồng trứng.

Phụ nữ mang thai vẫn có thể bị xoắn buồng trứng. Trong ba tháng đầu tiên, phụ nữ có thể bị u nang hoàng thể khiến buồng trứng bị xoắn. Nồng độ hormone cao hơn trong thai kỳ cũng có thể làm giãn các mô trong cơ thể, bao gồm cả dây chằng giữ buồng trứng tại chỗ. Nếu dây chằng không căng, chúng có thể dễ bị xoắn hơn.

Buồng trứng khi bị xoắn sẽ dẫn đến hạn chế lưu lượng máu đến nuôi, nếu kéo dài quá lâu, mô buồng trứng sẽ bị hoại tử, bác sĩ phẫu thuật buộc phải cắt bỏ buồng trứng. Vì vậy, cần phẫu thuật để tháo xoắn khối u, giúp bảo tồn lại buồng trứng.

Theo TS. BS Lê Thị Anh Đào, phẫu thuật loại bỏ u buồng trứng trên thai phụ khó hơn rất nhiều so với bệnh nhân bình thường, thai phụ càng ở tuần thai lớn càng phức tạp hơn nữa. Điều này một lần nữa cho thấy sự cần thiết của việc khám sức khoẻ trước khi mang thai.

TS. BS. Lê Thị Anh Đào khuyến cáo tới các chị em: một số trường hợp có u buồng trứng khi mang thai có thể có biến chứng xoắn u và kẹt u, gây nên tình trạng cấp cứu nghiêm trọng và việc phẫu thuật nội soi rất khó khăn. Để có một thai kỳ an toàn, chị em nên khám sức khoẻ trước khi mang thai tại cơ sở chuyên khoa.

Theo Đời sống
back to top