Đã quản được số lượng kê khai
Quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Do đó, quyền khai thác tài nguyên nước cũng được xác định là khoản thu tương tự như khoáng sản, đất đai. Tại Điều 65 Luật Tài nguyên nước quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong đa số các trường hợp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh.
Chính sách thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm đảm bảo công bằng trong sử dụng nước và nâng cao ý thức tiết kiệm nguồn nước. |
Từ năm 2013, căn cứ Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã ban hành quy định cụ thể quản lý việc khai thác tài nguyên nước và các khoản tiền phải nộp khi được cấp quyền khai thác tài nguyên nước, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đó là Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013.
Đến năm 2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nghị định này đã điều chỉnh một số quy định áp dụng để triển khai các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác và bảo đảm được an sinh xã hội, bổ sung cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước.
Sau hai năm triển khai, đến nay 100% chủ các công trình đã có giấy phép trước ngày Nghị định số 82/2017/NĐ-CP đã tiến hành kê khai cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Và đã được cơ quan quản lý thẩm định và phê duyệt. Các giấy phép khai thác mới (sau ngày Nghị định có hiệu lực) cũng đã được tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tăng thu gần 9.500 tỷ đồng, nhưng vẫn phải sửa
Theo số liệu báo cáo của các tỉnh và số liệu thống kê của Bộ TN&MT, tính đến ngày 9/4/2020, Bộ TN&MT đã phê duyệt được 593 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền 9.494,4 tỷ đồng, các tỉnh đã phê duyệt được trên 3.300 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 637 tỷ đồng.
Trong số 593 các công trình khai thác tài nguyên nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT, có 112 công trình khai thác nước dưới đất, trong đó 56 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 56 công trình khai thác nước dưới đất khác (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...); và 481 công trình khai thác nước mặt, trong đó có 436 công trình thủy điện, 5 công trình hồ chứa thủy lợi, 19 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 21 công trình khai thác nước mặt khác (làm mát, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...).
Theo Bộ TN&MT, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP đã giúp nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện còn một số vướng mắc có nguyên nhân từ sự thay đổi quy định của pháp luật.
Cụ thể, từ khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực đến nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, do đó, một số quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp. Đó là các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tại Điều 2 và Phụ lục II của Nghị định không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Đồng thời, các quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế (trong đó có tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), về thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại cơ quan thuế... Quy định về mẫu thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện đã được giao Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14… cũng khiến việc thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP gặp khó
Bên cạnh đó là, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thi hành Nghị định khi nhiều quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp với thực tiễn hoặc có những vướng mắc mà các Bộ, ngành, địa phương đã đặt ra yêu cầu phải tháo gỡ. Cụ thể là các quy định về đối tượng nộp tiền; căn cứ tính tiền trên cơ sở tầng chứa nước khai thác là chưa phù hợp vì nhiều công trình khai thác ở 2 tầng chứa nước khác nhau. Bên cạnh đó là quy định giá tính tiền chưa làm rõ thời điểm áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và lúng túng trong việc áp dụng giá tính tiền khi chiếu sang các quy định về tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên nên chưa có sự thống nhất trên cả nước...
Mặt khác, một số nội dung liên quan đến việc kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa hướng dẫn cụ thể như việc phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giữa các địa phương nơi có công trình khai thác nước và hồ chứa; quy định về gia nhiệt cho sản phẩm vẫn được xác định mức thu cao như đối với trường hợp sản xuất…
Nói cách khác, chỉ sau 3 năm đi vào thực tế, dù đạt hiệu quả về số thu, nhưng thực tế vận dụng đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, điều chỉnh Nghị định số 82/2017/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế.