Canh nấm hương bổ huyết, chữa ung thư

(khoahocdoisong.vn) - Chất lentinan và lentinula edodes có trong nấm hương có tác dụng kìm hãm sự phát triển của khối u. Trong Đông dược, nấm hương được coi là vị thuốc bổ nổi tiếng, được tôn là dược liệu trường thọ, chống lão suy.

Nấm hương có thành phần dinh dưỡng rất cao. Trong 100g nấm đã sấy khô có 12,5g chất đạm; 1,6g chất béo; 60g chất đường; 16mg canxi; 240mg kali và 3,9g sắt, các vitamin. Đặc biệt, nấm hương giàu khoáng chất và vitamin như vitamin C, B, tiền vitamin D, canxi, niacin, nhôm, sắt, magiê…, khoảng 30 enzym và tất cả các axit amin tối cần cho cơ thể.

Lentinan và lentinula edodes mycelium (LEM) là 2 chất chính tạo nên tác dụng dược lý của loại nấm hày. Một nghiên cứu tại Nhật cho thấy, những bệnh nhân ung thư đang hoá trị nếu dùng thêm lentinan thì hiệu quả hoá trị sẽ tăng lên, khả năng sống sót cao hơn và tiến triển của ung thư sẽ bị kìm hãm. Vì vậy ở Nhật, lentinan đã được chấp nhận như một liệu pháp phụ trợ trong tiến trình dùng hoá trị liệu.

Theo y học cổ truyền nấm hương vị ngọt tính bình, có công dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng huyết, hoà huyết, tiêu đờm. Công dụng chữa bệnh của nấm hương đã được biết đến ở Trung Quốc từ thời Xuân thu. Ngày nay, các nhà khoa học đã khẳng định: Nấm hương có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi thận và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hoá…Vì vậy, đây được coi là thực phẩm cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng…

Gà hầm nấm: Nấm hương khô 25g, mộc nhĩ đen khô 20g, thịt gà mái 500g, hạt sen 30g. Nấm hương và mộc nhĩ ngâm nước cho nở hết rồi cắt bỏ chân, rửa sạch, thái chỉ. Thịt gà rửa sạch, chặt miềng, hạt sen ngâm cho mềm ra. Tất cả cho vào nồi, đổ một lượng nước vừa đủ, hầm nhừ bằng lửa nhỏ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Tác dụng: Kiện tỳ, bổ thận, ích khí, dưỡng huyết, dùng để chữa các chứng bệnh có biểu hiện khí huyết suy nhược, mệt mỏi nhiều, mắt mờ, đầu choáng, mất ngủ, hay quên.

 Nấm nấu đậu: Nấm hương tươi 100g, đậu tương 50g, dầu gừng và tỏi lượng vừa đủ. Nấm hương rửa sạch. Đậu tương ngâm nước rồi đãi bỏ vỏ. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ rồi hầm nhừ, chế thêm dầu vừng, tỏi đập giập và gia vị vừa đủ, ăn nóng. Rất tốt cho trẻ em bị còi xương, người già bị loãng xương và chứng phù thũng.

Bầu dục xào nấm: Nấm hương tươi 100g, bầu dục lợn 2 đôi, gia vị vừa đủ. Nấm hương ngâm nước cho nở hết rồi rửa sạch, cắt chân. Bầu dục lợn bổ đôi, ngâm nước lạnh 2 giờ, lọc bỏ gân trắng rồi thái miếng. Xào nấm và bầu dục lợn riêng rẽ, khi chín thì trộn cả hai vào nhau, chế thêm gia vị là được. Tác dụng: Bổ thận, tráng dương, kích thích tiêu hoá, thích hợp cho những người yếu sinh lý, hay đau lưng, mỏi gối, ăn uống không ngon miệng.

Hải sâm xào nấm: Nấm hương khô 15g, mộc nhĩ đen khô 15g, hải sâm 100g, gừng, tỏi và gia vị vừa đủ. Nấm hương và mộc nhĩ ngâm nước cho nở hết rồi rửa sạch, cắt chân, thái chỉ. Hải sâm ngâm nước lạnh vài giờ rồi làm sạch, thái miếng. Xào qua hải sâm rồi cho nấm hương và mộc nhĩ vào, cho thêm tỏi giã nát, gừng tươi thái chỉ, gia vị, đun thêm vài phút là được. Tác dụng: Ích khí, bổ âm, cầm máu, tiêu viêm và phòng chống ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.

 Chân giò hầm nấm: Nấm hương tươi 150g, chân giò lợn 1 cái, gia vị vừa đủ. Chân giò lợn làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm nhừ, cho nấm vào đun chín rồi chế thêm gia vị, ăn nóng. Tác dụng: Bồi bổ âm dương, dưỡng huyết, kích thích sự thèm ăn, tăng số lượng và chất lượng sữa ở phụ nữ nuôi con bú.

Canh nấm thịt lợn nạc: Nấm hương tươi 100g, thịt lợn nạc 100g thái miếng, cho cùng nấm vào nồi nấu thành canh, tra đủ mắm muối vừa miệng, ăn cái uống nước. Tác dụng làm tăng bạch cầu, hỗ trợ điều trị viêm gan.

Cháo nấm hương thịt bò: Nấm hương tươi 100g, rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ 100g, thịt bò luộc thái lát 50g. Tất cả cho vào nồi nấu nhừ thành cháo, nêm hành, gừng, muối vừa đủ để ăn. Có tác dụng bổ huyết (chữa thiếu máu).

Lương y  Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top