Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp đã tử vong do uống mật gấu, mật cá trắm. Mật gấu xưa nay chỉ được dùng để chữa chấn thương, trật đả, xung huyết... chứ ít được dùng để uống. Hơn nữa, mật gấu không phải là thuốc bổ, thuốc tăng cường sức khỏe, sức đề kháng như được “rêu rao”. Khoa học cũng cảnh báo, mật của cá trắm có chứa độc tố steroid là cyprinol. Đây là độc chất gây tổn thương nhiều phủ tạng, đặc biệt là gan, thận. Rất nhiều trường hợp suy thận cấp rất nặng sau khi uống mật cá trắm; có trường hợp đã tử vong hay phải chạy thận suốt đời.
Theo thành phần cấu tạo, mật động vật thường có chứa các axit mật, muối mật nên có tác dụng giảm viêm, tan máu bầm, giảm đau và ít nhiều tính sát trùng, kháng khuẩn. Về hệ tiêu hóa, mật chỉ có một tác dụng là nhũ tương hóa chất béo. Do đó, để trợ tiêu hóa hiện y học hiện đại có nhiều cách, thuốc an toàn vệ sinh hơn uống mật rất nhiều. Bên cạnh đó, mật cũng như nước tiểu, mồ hôi và phân, là những chất thải của cơ thể không hơn không kém. Do đó, bên cạnh những chất thải do chuyển hóa thông thường như axit mật, muối và sắc tố mật trong mật còn có những chất độc, vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng, giun sán… có thể gây hại cho người nếu cho “chất thải” này trở vào cơ thể.
Các chuyên gia Đông y đều khẳng định mật gấu rất nóng và độc vì nó có thể tiêu hóa hàng yến thịt sống, hàng lít mật ong mà gấu ăn vào. Theo nguyên tắc cơ bản của y học chứng cứ (evidence based medicine), các loại thuốc khi sử dụng cho bệnh nhân phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, phải chứng minh rõ tác dụng chữa bệnh, liều lượng tác dụng, liều độc.v.v… để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Do đó, dù mật động vật cũng có một số tác dụng dược lý nhỏ như làm tan máu bầm, làm giảm đau tại chỗ… nhưng rất nhiều tác hại so với lợi ích. Hiện nay, tiến bộ y dược học cho chúng ta lựa chọn rất nhiều thuốc mới, đặc trị, hiệu quả chữa bệnh có kiểm chứng. Do vậy, người dân không nên tùy tiện nghe mách bảo, dùng mật động vật theo “kinh nghiệm”, cảm tính thô sơ và thiếu khoa học mà nguy hiểm đến tính mạng.
BS Phạm Hinh Còn (Hội Đông y Việt Nam)