Cẩn trọng khi dùng nước sát khuẩn cho trẻ nhỏ

(khoahocdoisong.vn) - Học sinh đi học trong thời gian này đều phải đảm bảo khâu vệ sinh diệt khuẩn, trong đó không thể thiếu là xịt sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Đối với trẻ nhỏ, các thành phần có trong nước sát khuẩn không an toàn, đặc biệt trẻ hay cầm nắm đồ chơi, đưa tay vào miệng…

Vừa xịt khuẩn tay đã bốc thức ăn

Chị Nguyễn Thùy Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con đi học tại một trường mầm non gần nhà. Từ hôm đi học trở lại, sáng nào trước khi vào lớp, trẻ cũng được cô giáo xịt nước sát khuẩn vào tay rồi mới bắt đầu ăn sáng. Theo dõi thấy con thường hay dùng tay bốc thức ăn hoặc khi thức ăn rơi ra ngoài, con nhặt và đưa lên miệng, chị băn khoăn liệu ngay sau khi dùng nước sát khuẩn, trẻ bốc thức ăn như vậy, có ảnh ưởng gì đến sức khỏe? Nước sát khuẩn có ảnh hưởng đến làn da vốn nhạy cảm của các bé không? Nếu có phải xử lý ra sao?

PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm: Ethanol (cồn) có khả năng sát trùng phải đạt 60 - 70 độ trở lên; deionized water (nước tinh khiết); sodium lactate (chất hút ẩm); fragrance (hương liệu tạo mùi/tinh dầu làm thơm); benzalkonium chloride (chất diệt khuẩn). Trong đó chất cồn, chất giữ ẩm, tạo mùi, bảo quản, diệt khuẩn... là những chất không được nuốt. Phản ứng gây hại của các chất này có thể biểu hiện khác nhau tùy vào mức độ dung nạp của mỗi người và tổng liều tích lũy, từ rối loạn tiêu hóa, viêm kết mạc cho đến suy hô hấp, rối loạn nội tiết, tác hại trên hệ sinh sản, gây ung thư...

Dung dịch sát khuẩn có cồn có thể gây ngộ độc nếu uống, nuốt. Khuyến cáo của nhà sản xuất luôn để xa tầm tay trẻ nhỏ và giám sát việc sử dụng. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, việc vừa rửa tay bằng nước sát khuẩn xong đã cho trẻ ăn uống ngay tiềm ẩn nguy cơ trẻ nuốt phải dung dịch sát khuẩn, không có lợi cho sức khỏe. Trong dung dịch sát khuẩn có cồn, chúng sẽ bay hơi theo thời gian sau khi sử dụng. Do đó, sau khoảng 10 - 15 phút hãy cho trẻ ăn uống để tránh nguy cơ nhiễm độc.

Không sát khuẩn khi tay đang bẩn

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên cho con rửa tay thường xuyên với nước và dung dịch tẩy rửa thích hợp cho da mà trẻ đã quen dùng. Ngoài ra, không nên chủ quan là bé đã dùng nước rửa tay khô thì an toàn, vì thực tế sau khi cồn đã bốc hơi, các chất bám trên da tay có thể là môi trường trung gian hút bám các yếu tố gây hại nếu bé vô tình chạm phải các bề mặt bị nhiễm. SARS-CoV-2 lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập vào cơ thể chúng ta từ mắt, mũi, họng qua giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc thông qua bàn tay chạm vào những vật dụng trung gian chứa virus rồi đưa lên mặt.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ, sau 20 giây rửa tay với nước và xà bông hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn, chúng ta có thể ngăn ngừa được tới 200 bệnh. Rửa tay bằng xà phòng/xà bông và nước là cách tốt nhất để loại bỏ virus trong hầu hết các tình huống, nhưng trong trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.

Trường hợp trẻ nhỏ chơi đùa nhiều, tay bị bẩn, thì nhất thiết phải được rửa bằng nước chứ không sử dụng dung dịch sát khuẩn. Dung dịch sát khuẩn khi đó chỉ pha loãng vi khuẩn trên bàn tay, khi trẻ đưa tay lên miệng, rủi ro từ các bệnh truyền nhiễm cho trẻ là rất cao. Do đó, chỉ dùng nước sát khuẩn tay nhanh trong những trường hợp cần thiết, rửa tay với xà phòng/xà bông và nước sạch đúng cách vẫn là cách tốt nhất.

Để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ mầm non, cần rửa tay trước và sau khi ăn. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hay miệng, vì vậy, cần rửa tay đúng cách trước khi ăn để tránh virus đi trực tiếp vào cơ thể và sau khi ăn để giữ đôi tay luôn sạch sẽ nếu có cầm, chạm vào thức ăn. Cần rửa tay sau khi đi vệ sinh bởi nhà vệ sinh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Theo Đời sống
back to top