Tồn dư nhiều loại hóa chất trên rau mồng tơi
Như thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàng Mai về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi tiến hành kiểm tra đột xuất 8 bếp ăn của các trường học tại địa bàn, qua test nhanh thực phẩm tại trường mầm non Hoàng Liệt, đoàn kiểm tra đã phát hiện một mẫu rau mùng tơi tại tủ lưu trữ chưa qua chế biến dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật.
Đoàn kiểm tra đã kết hợp với cán bộ thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội lập biên bản sự việc tại chỗ, các mẫu rau mùng tơi thu giữ được đóng kín, niêm phong.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, số rau mùng tơi thu giữ được ở trường tiểu học Hoàng Liệt dương tính với các chất fenpropathrin, acephate, difenoconazole.
Rau mồng tơi có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, các chất trên đều là những chất hóa học có trong nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hiện đang lưu hành trên thị trường.
Các chất này thường sẽ tồn dư trên rau trong một thời gian sau phun. Nếu không cách ly đúng thời gian, lượng tồn dư cao sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, nhất là trẻ nhỏ.
Cụ thể, khi hóa chất bảo vệ thực vật được phun cho cây để tiêu diệt bệnh, trong khoảng 7 – 10 ngày, phần thuốc ngấm vào cây sẽ được cây phân giải từ đó giảm độ độc đến không còn độc, phía ngoài cây lá cũng bị rửa trôi, bốc hơi… để giảm lượng tồn dư.
Nhưng trên thực tế, vị chuyên gia này cho rằng, do sợ rau già khó bán hoặc mẫu mã trông không xanh non sau khi phun nên bà con hái sớm hơn 7 ngày. Đây là lý do rau thường còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
“Nguyên tắc 4 đúng giúp an toàn khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật là: Chọn đúng thuốc, đúng nồng độ/liều lượng, đúng lúc và đúng kỹ thuật. Nhưng nếu làm đúng 4 nguyên tắc này nhưng không đảm bảo ngày cách ly cũng không phải là an toàn. Do đó, người dân cần lưu ý vấn đề này” – PGS.TS Nguyễn Kim Vân.
Nên chọn rau mầm, hữu cơ cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Kim Vân cũng cho hay, lượng tồn dư trên rau cần hiểu đúng để tránh người dân lo lắng. Tồn dư nhưng không vượt quá ngưỡng cho phép của các tiêu chuẩn, rau đó vẫn an toàn cho người sử dụng.
Vì thế, người ta vẫn khuyến cáo nên thu hoạch rau sau ít nhất 7 – 15 ngày là nhằm mục đích để lượng tồn dư thấp nhất.
Còn KS Nguyễn Bắc, Viện Nghiên cứu rau quả cho hay, rau là thực phẩm cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dùng. Vì thế, rau luôn phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng tất nhiên, hiện nay nước ta cần kiểm soát tốt hơn mới có thể mong được có thực phẩm sạch.
Đối với trẻ nhỏ, rau sạch phải thận trọng hơn do sức đề kháng trẻ đang yếu, sự đào thải các chất độc chưa cao… Nếu sử dụng phải rau còn tồn dư vượt ngưỡng hóa chất có thể gây nên tình trạng ngộ độc trước mắt, về lâu dài sẽ bị nhiễm độc dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm.
Vì thế, dù ở nhà hay ở trường, người lớn cần có chọn rau kỹ lưỡng cho trẻ. Ví dụ, nên chọn rau hữu cơ để hạn chế tối đa hóa chất cũng như tích lũy các chất dinh dưỡng cao. Hoặc chọn rau mầm. Đây là loại rau có hàm lượng vi chất cao, chưa bị nhiễm các hóa chất, nguồn trồng cũng phải sạch (vì trồng trên giá thể vi sinh, nước tưới phải sạch…), nhất là chất xơ mềm, dễ tiêu với trẻ nhỏ.
Các loại rau như mồng tơi, rau dền, rau muống… là các loại rau hay bị phun thuốc nên hạn chế dùng, trừ khi thực sự chọn được nguồn rau chứng minh độ an toàn.
Hiền Dung