Cán bộ đánh bạc, cấp càng cao, càng phải xử nghiêm

Nói về mức độ nghiêm trọng trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ, trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, cán bộ đánh bạc, cấp càng cao, càng phải xử nghiêm.

Càng cấp cao, càng phải cương quyết

Chiều 11/3, Bộ Công an chính thức thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về hành vi tổ chức đánh bạc. Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Thanh Hóa. Cùng với đó, 73 đối tượng khác cũng bị khởi tố và bắt tạm giam. Ông có bình luận gì về vụ việc này?

Về vụ án đánh bạc nghìn tỷ này, Ban Bí thư đã nhìn nhận, đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm. Đồng thời có liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng Công an, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo tôi, lúc này chúng ta cần theo dõi xem các cơ quan liên quan sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư như thế nào. Tôi nghĩ rằng, rơi vào những đối tượng cán bộ cấp cao như vậy, phải làm kiên quyết, bởi đây không phải vấn đề của riêng một bộ phận nào, mà liên quan đến lợi ích quốc gia.

Có lẽ đây cũng là vụ việc hiếm hoi bị phanh phui khi một cán bộ cấp cao về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của ngành công an lại liên quan đến việc tổ chức đánh bạc qua mạng?

Như tôi đã nói, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, nó liên quan đến nhiều người, trong đó có những cán bộ giữ những vị trí lãnh đạo. Đặc biệt ở chỗ nó còn liên quan đến cả an ninh quốc gia. Do đó, cần phải làm rõ, bất cứ ai, dù giữ chức vụ gì, quan trọng đến đâu, cũng phải bị xử lý, không có nể nang.

Trước nay người ta vẫn cứ nói thì thào với nhau kiểu đồn đoán rằng, cán bộ chống tham nhũng có khi lại tham nhũng, thì nay, cán bộ chống tội phạm trên mạng lại cấu kết với tội phạm. Chắc hẳn phải quyết tâm lắm mới lôi được những người này ra ánh sáng?

Tôi cũng mong rằng, vụ việc này phải đi được đến cái đích cuối cùng, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, nhất là cơ quan trọng yếu của quốc gia về an ninh. Đụng đến một cơ quan an ninh quốc gia, đến cán bộ cấp cao thì phải làm kiên quyết, triệt để, kịp thời để ngăn chặn những hậu quả không phải trước mắt mà còn cả lâu dài.

Bản thân ông có bất ngờ?

Vụ việc xảy ra khiến dư luận, xã hội hết sức bàng hoàng, sửng sốt. Bản thân anh là người thực thi công vụ, được Đảng, Nhà nước, được lãnh đạo Bộ Công an phân công trực tiếp đứng đầu đơn vị chống tội phạm công nghệ cao, mà anh lại tham gia, tổ chức đánh bạc công nghệ cao, điều này là hết sức xấu hổ. Do vậy, vụ án đặc biệt nghiêm trọng này phải điều tra, xử lý bằng pháp luật thật sự nghiêm minh. Là người được giao và thực hiện nhiệm vụ mà lại vi phạm như thế thì không thể chấp nhận được.

Làm rõ còn những ai “nhúng chàm”

Vụ việc này liên quan đến nhiều người, chắc chắn rất phức tạp. Theo ông sẽ phải làm thế nào để trong sạch lực lượng công an, lấy lại lòng tin trong nhân dân?

Từ vụ án này cũng cho thấy sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, đặc biệt lãnh đạo Bộ Công an trong việc xử lý cán bộ ngành mình khi xảy ra sai phạm. Mặt khác cũng cho thấy thái độ cương quyết trong phòng chống tham nhũng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy. Trong xử lý tội phạm, đặc biệt là tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng dưới bất cứ hình thức nào cũng đều không có vùng cấm. Dù cán bộ đó ở cấp cao hay cấp thấp, khi đã vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Theo ông làm thế nào để đi đến tận cùng, làm khách quan, không bỏ lọt tội phạm trong những vụ án phức tạp thế này?

Chắc hẳn vụ án này chưa dừng lại, cần phải tiếp tục điều tra, làm rõ. Ngoài ông Nguyễn Thanh Hóa, hơn 70 người có liên quan, cần điều tra làm rõ, xem còn những ai tham gia, nhúng chàm trong vụ án này nữa không? Lãnh đạo Bộ Công an cần có sự quyết tâm, cương quyết để làm trong sạch hóa lực lượng, để lấy lại lòng tin trong nhân dân.

Cần đến “bàn tay sắt”, “con dao nhọn”

Như ông từng chia sẻ, lợi ích nhóm bây giờ đan xen chằng chịt trên dưới ngang dọc. Thế thì chống lại nó thế nào, trong khi rất có thể người chống nó cũng nằm trong cái mạng lưới chằng chịt ấy?

Thì đó là một công việc rất khó khăn bởi nó động đến rất nhiều người. Nhưng phải hiểu rằng, khi bệnh tình đã nghiêm trọng thì phải cần đến ông thầy thuốc cao tay. Thầy thuốc trình độ xoàng thì không thể chưa bệnh được. Ông thầy thuốc cao tay đó chính là sự lãnh đạo của Đảng, “bàn tay sắt” của Đảng. Những người đứng đầu phải là người hành động, phải là người thầy thuốc có “bàn tay sắt”, có “con dao sắc nhọn để gọt rửa những bệnh nguy hiểm” này đi.

Ông đánh giá thế nào về sự tinh vi, thủ đoạn để tham nhũng của một số cán bộ?

Sau Nghị quyết Trung ương 4 thì có câu chuyện Trần Văn Truyền, Trịnh Xuân Thanh đấy, đó là những cái mới phát sinh. Càng về sau này thì cái suy thoái, chuyển biến mới càng tinh vi, phức tạp hơn, đan xen lợi ích nhóm khủng khiếp hơn, quan hệ chằng chịt. Mưu đồ thủ đoạn của những kẻ này cũng càng tinh vi hơn. Nếu cái cũ chưa khắc phục được mà cái mới cứ thế nảy sinh thì cực kỳ khó khăn. Giáo dục quyết liệt, quản lý quyết liệt, giám sát quyết liệt, kỷ luật quyết liệt, pháp luật quyết liệt thì mới làm được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 11/3, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Đảng ủy Công an trung ương và các cơ quan chức năng liên quan báo cáo kết quả điều tra vụ án: “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền”. Ban Bí thư cho rằng đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng Công an, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Từ cuối 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án hình sự “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành”. Quá trình điều tra đã phát hiện đường dây đánh bạc thông qua mạng internet có quy mô cực lớn, có sự tham gia của hàng ngàn người trong và ngoài nước. Đường dây đánh bạc này được điều hành bởi 2 đối tượng là Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch công ty VTC Online, một doanh nghiệp chuyên về game online,  và Nguyễn Văn Dương, ở Hà Nội. Đây là đường dây hoạt động theo phương thức kinh doanh các game đánh bạc trá hình trên mạng internet.

Đáng chú ý, với trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, khi phát hiện hành vi sai phạm, ông Nguyễn Thanh Hóa thay vì ngăn chặn, còn có những hoạt động mang tính chất tiếp tay “bảo kê” cho đường dây này. Điều này cũng lý giải việc đường dây này hoạt động trong một thời gian dài với số lượng tiền giao dịch lên tới hàng ngàn tỉ đồng thì mới bị phát hiện, bắt giữ. Ông Nguyễn Thanh Hóa được xác định là có hành vi đồng phạm với các đối tượng đánh bạc trong đường dây.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top