Cách uống sữa đậu nành tránh tác hại

(khoahocdoisong.vn) - Đậu nành là thực phẩm quen thuộc. Tuy nhiên, uống sữa đậu nành cũng cần lưu ý để tránh tác dụng thành tác hại.

Đậu nành ( đậu tương) có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là protein chiếm 34% trong 100g đậu, 18,4 % lipit, 24,6% glucid… Ngoài ra còn có nhiều vitamin và muối khoáng như sắt, canxi.

Sữa đậu nành dễ chế biến, có nồng độ canxi gần như sữa bò, không chứa lactose và không gây dị ứng nên được nhiều người ưa chuộng. Quan trọng hơn là lượng calo có trong đậu nành cao, cứ 100g đậu tương cho 400 kcl, không kém các loại thực phẩm khác. Tuy  nhiên, khi sử dụng sữa đậu nành cần lưu ý để tránh tác dụng thành tác hại.

Sữa đậu nành phải nấu sôi kỹ: Đun sôi từ 5-10 phút mới bắc ra. Nếu sữa không đủ chín sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, gây nôn hay buồn nôn, đi ngoài phân lỏng. Vì trong sữa có một chất xúc tác có hại gây tan hồng cầu, nấu kỹ thì chất này phân tán đi không có hại.

Không uống sữa đậu nành khi đói: Thời điểm tốt nhất để uống sữa đậu nành là sau bữa ăn sáng từ 1-2 giờ. Hoặc ăn cùng với bánh bao, bánh mì… vừa có lợi cho sự hấp thu của cơ thể đối với các chất dinh dưỡng trong sữa.

Không uống quá nhiều trong một lúc: Dinh dưỡng trong sữa đậu nành rất phong phú nên uống mỗi lần 200ml là vừa không nên uống quá nhiều sẽ gây ra khó tiêu, đầy bụng, đi ngoài.

Không nên chứa sữa bằng phích: Trong phích đựng nước lâu ngày thường có những vết cáu bẩn bám chặt vào thành phích. Khi đựng sữa đậu nành vừa sôi, có tác dụng làm tan các vết cáu bẩn của phích, các chất đó tan ra trong sữa gây nhiễm bẩn.

Không cho đường đỏ vào sữa đậu nành: Nhiều người không thích uống đường, chỉ uống sữa không. Nếu thích cho một chút đường cho dễ uống thì cho đường trắng, không cho đường đỏ vì trong đường đỏ có chất axit hữu cơ, thành phần này kết hợp với protein trong sữa đậu nành sẽ sinh ra chất lắng đọng biến tính, uống vào có hại sức khỏe.

Không nấu sữa đậu nành với trứng: Sữa đậu nành có chất trypsin, rất dễ kết hợp với protein trong trứng gà, sinh ra chất ức chế, làm ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Nhưng nếu uống sữa riêng và ăn trứng riêng thì không ảnh hưởng gì, chỉ không nên nấu chung 2 thứ này với nhau.

BS Kim Lan (nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu TƯ)

Theo Đời sống
back to top