Các biện pháp phát hiện
Châu Á hiện nay cũng có tỷ lệ mắc GERD tăng lên đáng kể do thay đổi lối sống, chế độ ăn cũng như là khả năng phát hiện. Theo một số các nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay có khoảng 7 triệu người bị GERD và có xu hướng gia tăng.
Các triệu chứng nghĩ tới GERD phổ biến: Ợ nóng, trớ, đau bụng thượng vị, nuốt khó, đau, buồn nôn, nôn, tiết nước bọt, khàn tiếng, đau ngực không do nguyên nhân tim mạch.
Một số biện pháp phát hiện bệnh như:
- Chụp thực quản có uống thuốc Barryt: Phương pháp này nhằm phát hiện: Các nhu động bất thường trong khi nuốt: khó xác định được chuẩn xác và các nhu động bất thường của thực quản cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc, thường gặp. Các tình trạng giãn thực quản, thuốc cản quang xuống quá nhanh, đặc biệt ở đoạn dưới thực quản có ý nghĩa để nghĩ tới GERD.
Các co thắt, chít hẹp cũng là gợi ý quan trọng, nhưng các co thắt, chít hẹp, sẹo lồi ở đoạn trên thực quản cũng gây triệu chứng nuốt vướng, nghẹn mà không có GERD. Vakil N. có giới thiệu một trường hợp hãn hữu qua chụp thực quản phát hiện một dị vật nằm ngay ở lỗ tâm vị làm cho cơ thắt tâm vị hạn chễ, lỗ luôn được mở đưa tới GERD.
- Nội soi thực quản và sinh thiết: Đây là phương pháp được các nhà nội tiêu hóa áp dụng khá rộng rãi. Nội soi cho thấy được trực tiếp niêm mạc thực quản, xác định vị trí và hình thái của tổn thương. Ở bệnh nhân GERD thì thực quản bị sung huyết, bị loét trợt, bị loét tiêu thực, đôi khi thấy hẹp lòng thực quản hoặc do niêm mạc dạ dày xâm nhập vào phần dưới thực quản …. Có thể coi nội soi chỉ có giá trị 50% trong chẩn đoán GERD. Nội soi thực quản còn giúp chúng ta theo dõi kết quả điều trị GERD.
- Đo PH thực quản. Đo pH thực quản là thăm dò chức năng chính có tính quyết định được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán GERD nhưng khá tốn kém về trang thiết bị máy móc và mất nhiều thời gian.
Chụp lấp lánh đồ (Scintigraphy): Cho bệnh nhân uống lúc đói 15ml nước cam có pha 1mCi chất đồng vị phóng xạ Technetium 99Tc. Tiếp theo cho uống thêm 300ml nước lọc để rửa thực quản. Đặt người bệnh trước máy Gamma-camera nối với máy vi tính. Máy này sẽ đo và ghi độ phóng xạ của 99Tc khi chất này trào ngược lên thực quản.Thời gian đo là khoảng 30 phút. Chỉ số hồi lưu nói lên lượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
Độ nhạy cảm của chụp lấp lánh kém hơn đo pH vì không đo được hồi lưu kiềm và hồi lưu ban đêm nhưng cũng đủ để phát hiện GERD. Lợi điểm của chụp lấp lánh là có thể dùng được ở trẻ em, thậm chí cả ở nhũ nhi. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm thanh quản mạn (ho kéo dài) bị suyễn nghi ngờ do GERD, chụp lấp lánh đồ rất hữu ích để xác định nguyên nhân.
Phương pháp điều trị và cách tránh biến chứng nguy hiểm
Bệnh không được phát hiện và xử lý sớm thì sẽ gặp một số biến chứng. Biến chứng tại chỗ: gồm viêm thực quản và hẹp thực quản.
Biến chứng muộn: Rối loạn giọng nói (>80%); Viêm thanh quản, viêm họng mạn (52%); Xơ-sẹo hẹp hạ thanh môn (78%); Ung thư thanh quản; Viêm mũi-xoang mạn; Hội chứng ngừng thở trong giấc ngủ (OSAS); Viêm tai giữa tiết dịch: người ta tìm thấy pepsin/pepsinogen trong dịch tai giữa (Harvey Mcconnell MD. & Jeff Parson. the Lancet 2002); Gần đây còn ý kiến cho rằng hội chứng đột tử ở trẻ con có liên quan với GERD
Mục tiêu điều trị bệnh lý này nhằm giải quyết hết trào ngược; Cải thiện chất lượng cuộc sống; Lành tổn thương; Phòng ngừa, chống tái phát viêm thực quản và các biến chứng của bệnh trào ngược.
Điều trị nội khoa và phẫu thuật là biện pháp sử dụng trong bệnh lý này. Phẫu thuật có thể được khuyến cáo nếu bạn có biến chứng GERD nghiêm trọng. Ví dụ, axit dạ dày có thể gây viêm thực quản. Điều này có thể dẫn đến chảy máu hoặc loét. Sẹo do tổn thương mô có thể làm hẹp thực quản và khó nuốt.
Phẫu thuật được chỉ định: khi bệnh nhân có bệnh trào ngược dạ dày vừa phải đến nặng có thể được ghi lại một cách khách quan (thường thông qua nghiên cứu pH 48 giờ dương tính). Ngoài ra, bệnh nhân thường có các triệu chứng ợ nóng và trào ngược dai dẳng mặc dù trải qua liệu pháp ức chế bơm proton. Người bệnh bị viêm thực quản trào ngược được chẩn đoán bằng triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, có hoặc không có thoát vị cơ hoành kèm theo, đã được điều trị nội khoa đúng phương pháp trong ít nhất 6 tháng mà không đỡ.
BS Trần Kiên Quyết (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)