Viêm đầu gối thường được chẩn đoán qua các phương pháp như kiểm tra tầm vận động của khớp, sự biến dạng khớp hoặc các dấu hiệu xương khớp bất thường khác. Chụp X-quang, chụp MRI và xét nghiệm dịch khớp sẽ giúp bác sĩ phát hiện những điểm bất thường trong khớp gối. Tùy theo tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định làm các loại xét nghiệm phù hợp.
Các biến chứng bệnh viêm khớp gối
Viêm khớp gối khiến chức năng vận động giảm sút nghiêm trọng. Bệnh ở giai đoạn đầu nếu không được phát hiện sớm hoặc hướng điều trị không phù hợp, sẽ chuyển nhanh sang giai đoạn III và IV.
Bệnh trở nên nguy hiểm hơn với những biến chứng như teo cơ, biến dạng khớp hoặc dính khớp; Suy giảm chức năng vận động; Thấp khớp cấp, gây tổn thương van tim, dẫn tới mắc các bệnh tim mạch; Tàn phế, bại liệt.
Mục tiêu của điều trị viêm khớp gối là giảm đau, giúp người bệnh hoạt động dễ dàng. Phương pháp điều trị sẽ gồm:
Giảm cân ở mức phù hợp với thể trạng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể cơn đau đầu gối từ viêm xương khớp;
Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường những cơ bắp quanh đầu gối, giúp khớp ổn định và giảm đau.
Sử dụng các loại thuốc kháng viêm kết hợp với một số loại thuốc giảm đau trong trường hợp cơn đau xuất hiện dày đặc, gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Một số trường hợp phản ứng viêm cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm trực tiếp thuốc cortisone vào vùng khớp gối, giúp hạn chế quá trình viêm và giảm nhanh các triệu chứng đau nhức.
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho phần lớn những bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ nghiêm túc theo đúng phác đồ điều trị. Phương pháp này thường được kết hợp với việc dùng thuốc để mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.
Khi bệnh chuyển nặng, các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng nữa, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, phẫu thuật loại bỏ xương khớp gối hoặc phẫu thuật nội soi.
Cách phòng tránh viêm khớp đầu gối
Kiểm soát tốt cân nặng, tránh tăng cân quá nhanh vì sẽ tạo áp lực lớn lên đầu gối.
Hạn chế mang vác vật nặng.
Chú trọng bổ sung dưỡng chất và các vitamin tốt cho sức khỏe xương khớp.
Thực hiện tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động.
Thường xuyên tập thể dục với cường độ phù hợp.
Có thể sử dụng thực phẩm chức năng để bảo vệ xương khớp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình chữa trị viêm khớp đầu gối. Người bệnh nên bổ sung các nhóm thực phẩm như:
Các loại cá nước lạnh như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích… Đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3, một loại chất kháng viêm hiệu quả.
Những loại nước hầm từ xương ống hoặc sụn sườn bò cung cấp rất nhiều glucosamin và chondroitin. Đây đều là các hợp chất tự nhiên cấu thành sụn. Nước hầm từ xương và sụn còn bổ sung cho cơ thể lượng canxi dồi dào, rất tốt cho hệ xương khớp.
Bổ sung luân phiên những loại thịt heo, thịt gia cầm, tôm, cua để làm phong phú chế độ dinh dưỡng.
Các loại ngũ cốc, đậu nành, rau xanh nên được bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Đây đều là các loại thực phẩm hỗ trợ tăng cường miễn dịch và chống oxy hóa rất tốt.
Các loại trái cây như đu đủ, thơm, chanh, cam… chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C. Đây là các hoạt chất tự nhiên giúp kháng viêm rất tốt và tăng cường độ dẻo dai cho khớp.
ThS.BS. Trần Thị Thanh Tú (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)