Dược lý phong phú tốt cho sức khỏe
ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, tỏi là một thực phẩm và cũng là một vị thuốc đã được y học cổ truyền Đông Tây sử dụng từ rất sớm. Theo đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có công dụng hành khí trệ, làm ấm tỳ vị, tiêu tích, giải độc và sát trùng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng do lạnh, phù thũng, tiêu chảy, bệnh lỵ, sốt rét, ho gà, mụn nhọt, đinh độc, viêm loét lâu liền, rụng tóc, nấm tóc, rắn cắn…
Gần đây, y học hiện đại cũng đã nghiên cứu rất sâu về tỏi trên mọi phương diện và nhận thấy tỏi có tác dụng dược lý rất phong phú và độc đáo như: có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng vi rút và kháng ký sinh trùng đường ruột; điều chỉnh rối loạn lipid máu và làm giảm đường máu; hạ huyết áp, cải thiện sức co bóp cơ tim, lợi tiểu; chống đông máu, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, gia tăng hoạt tính dung giải fibrin và làm chậm quá trình vữa xơ động mạch: thúc đẩy bài tiết dịch vị và chuyển hóa cơ thế; bảo hộ tế bào gan, chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa; chống viêm và chống ung thư; nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể…
Hơn nữa, tỏi còn có giá trị dinh dưỡng khá cao. Trong 100g tỏi tươi có chứa 62,8g nước, 6,3g protein, 0,1g lipid, 29g hydrat carbon, nhiều các nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, P và các vitamin C, B1, B2. Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, nếu như nhiệt lượng của 100g hành và 100g cải trẳng là 27 và 12 calo thì chỉ số này của tỏi đạt tới 138 calo. Như vậy, có thể thấy, tỏi thực sự là một thực – dược phẩm có tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, cách thức chế biến và sử dụng tỏi như thế nào cho đúng mới là cách cần quan tâm.
Chỉ nên dùng phòng bệnh và cẩn thận tai biến
LY Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, tỏi là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên tỏi có thể gây ra một số phản ứng phụ do bản thân thành phần có trong tỏi hoặc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng. Ăn nhiều tỏi sống sẽ thấy khó chịu trong bao tử, gây xót ruột, hoặc ói mữa và tiêu chảy. Nước tỏi tươi dùng ngoài da có thể gây dị ứng như làm đỏ da hay phỏng da ở 1 số người.
Tuyệt đối không nên ăn quá nhiều tỏi hoặc uống thuốc tỏi nhất là khi đang mắc bệnh về máu huyết vì tỏi có khuynh hướng làm loãng máu. Không nên lạm dụng tỏi nếu đang uống các thuộc trị bệnh tiểu đường (thuốc hạ đường huyết, insuline...vì tỏi có thể làm tăng tác dụng và làm thay đổi số lượng thuốc đang được sử dụng); Các thuốc trị Sida. Tránh dùng tỏi khi có bệnh về đường tiêu hóa hay đang chuẩn bị để được giải phẩu trong vòng 2 tuần sắp tới vì tỏi có thể ảnh hưởng đến thời gian đông máu. Hoạt chất của tỏi cố thể được tiết qua sữa mẹ và chó thể làm cho các trẻ sơ sinh bị đau bụng.
Không nên sử dụng tỏi sau khi được ghép tạng vì tỏi có khuynh hương kích thích sự loại bỏ của bộ phận vừa mới được ghép vào. Hàm lượng sunfua cao trong tỏi có thể gây viêm đại tràng và viêm da, thông qua việc tiêu hủy các chủng vi khuẩn bình thường của ruột.
Ngoài ra, cần lưu ý tỏi có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc thảo dược (tăng giảm tác dụng) nếu dùng chung với tỏi như: thuốc trị nấm (Nizoral), thuốc tránh thai, thuốc trị dị ứng, thuốc làm loãng máu (Ginkgo, sâm nhung, angelica…)
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, tỏi nói chung và rượu tỏi nói riêng không có tác dụng trị bệnh huyết áp, tim mạch. Tỏi là gia vị thực phẩm chỉ có vai trò phòng bệnh. Bởi thành phần chính trong tỏi là chất kháng sinh allicin (C6H10OS2) có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh nên nếu mỗi bữa dùng từ 3 – 5 tép tỏi nhỏ có tác dụng phòng bệnh nói chung.
Với hệ tim mạch,tỏi có tác dụng chống kết tập tiểu cầu không cho kết tụ thành cục máu đông nên có tác dụng ngừa tai biến tim mạch và làm hạ huyết áp. Rượu là chất dẫn để thuốc tốt hơn, nên uống rượu tỏi làm tăng tác dụng của tỏi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, rượu tỏi theo nghiên cứu của WHO chỉ có tác dụng khi dùng ở liều mỗi ngày 2 lần: sáng – tối, mỗi lần 40 giọt (1 thìa cà phê), dùng nhiều sẽ có hại khiến hơi thở hôi, rối loạn dạ dày - ruột, ức chế tuyến giáp... Đặc biệt nếu uống nhiều rượu tỏi lại gây hại cho tim: loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sức co bóp của tim và suy tim....
cách chế biến và sử dụng rượu tỏi:
1. Lấy 25g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm với 100ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 25 -30ml.
2. Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho đến khi
ngập hết tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu thì càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml.
3. Lấy 50g tỏi bóc vỏ, thái nhỏ rồi đem ngâm với 100ml rượu trắng 45° trong lọ kín, thỉnh thoảng lắc đều, sau chừng 10 ngày là dùng được, mỗi ngày uống 2 lần (sáng trước khi ăn và tối trước khi ngủ), mỗi lần 40 giọt (tương đương với 1 thìa cà phê nhỏ).
4. Lấy 500g tỏi bóc vỏ, đem hấp trong 20 phút để làm mất mùi, sau khi nguội cho vào trong lọ sứ ngâm với 2500ml rượu trắng và 500g đường phèn, bịt kín miệng, để nơi thoáng mát, sau 30 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 – 25ml.