Cách dùng thuốc dự phòng hen phế quản và xử trí cơn hen tại nhà

Cơn hen cấp nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần phải biết rõ: Vì sao con bị lên cơn hen cấp và cách xử lý khi con bị bệnh cho đúng.

Mỗi ngày có 1000 người chết vì hen

Hen phế quản đặc trưng bởi viêm mạn tính đường thở. Hen được xác định bởi tiền sử tái đi tái lại các triệu chứng hô hấp như: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Các triệu chứng này hay thay đổi theo thời gian và cường độ.

Theo báo cáo của Tổ chức hành động vì bệnh nhân hen toàn cầu (GINA), năm 2018 thế giới có khoảng 339 triệu người mắc bệnh hen, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 người chết vì hen. Đây là vấn đề sức khỏe toàn cầu, xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, nhất là đối với trẻ em.

Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán bệnh chính xác, đồng thời kiểm soát tốt bệnh nhờ tuân thủ điều trị dự phòng, biết cách xử trí đúng khi có cơn hen cấp thì trẻ hoàn toàn có thể sống và sinh hoạt bình thường.

Sinh hoạt Câu lạc bộ Hen phế quản lần 1 năm 2023Sinh hoạt Câu lạc bộ Hen phế quản lần 1 năm 2023

Hướng dẫn xử trí cơn hen cấp tại nhà

Cơn hen cấp xảy ra khi trẻ có biểu hiện tăng dần các triệu chứng khó thở, ho, khò khè hoặc nặng ngực và giảm dần chức năng hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, thường xảy ra sau một yếu tố kích thích như: nhiễm trùng vi rút hô hấp; phơi nhiễm dị nguyên; dị ứng thức ăn; ô nhiễm không khí, thay đổi mùa, thời tiết,…Cơn hen cấp có thể xảy ra ở người bệnh đã được chẩn đoán hen trước đó hoặc đôi khi như là biểu hiện đầu tiên của hen.

Những triệu chứng báo hiệu trẻ có cơn hen cấp:

Khó thở: Trẻ có thể có cảm giác khó thở hơn khi thở ra hoặc cả khi hít vào, khi trẻ ngồi để thở sẽ giúp dễ thở hơn. Khó thở tăng lên có thể làm trẻ vã mồ hôi, da tái, nói câu ngắn hoặc từng từ…

Khò khè: Dấu hiệu của co thắt và hẹp đường dẫn khí, cha mẹ có thể nghe thấy tiếng khò khè của trẻ khi thở ra hoặc cả khi hít vào. Nếu trẻ xuất hiện khò khè cả 2 thì, trẻ đang trong tình trạng nặng.

Ho: Ho khan là chủ yếu, thường vào nửa đêm về sáng hoặc tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi gắng sức. Có thể ho đàm, đàm trắng hoặc trong suốt và khó thở khi ho.

Cảm giác tức ngực: Trẻ có cảm giác nặng ngực, đau trong vùng ngực do sự co thắt phế quản.

Cách xác định mức độ nặng, nhẹ của cơn hen cấp

Cách xác định mức độ nặng, nhẹ của cơn hen cấp

Cách xác định mức độ nặng, nhẹ của cơn hen cấp:

Khi trẻ xuất hiện cơn hen cấp, đường thở sẽ tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đàm nhầy, có thể gây giảm Oxy trong máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức…và có thể tử vong.

Do đó cha mẹ cần ngay lập tức cải thiện nhanh nhất tình trạng thiếu Oxy và ứ đọng CO2 trong máu, đảm bảo các bộ phận trong cơ thể như não, tim,..hoạt động bình thường, đồng thời hồi phục tình trạng tắc nghẽn đường thở dưới theo hướng dẫn sau:

Bước 1: Đặt trẻ ngồi xuống ở tư thế thoải mái hướng về phía trước là tốt nhất, trấn an trẻ, hướng dẫn trẻ thở sâu và chậm.

Bước 2: Dùng thuốc cắt cơn hen như Salbutamol. Với trẻ dưới 5 tuổi, xịt 2 nhát qua buồng đệm hoặc 2,5mg khí dung. Với trẻ trên 5 tuổi, xịt 4 -10 nhát qua buồng đệm (phụ thuộc vào cân nặng của trẻ) hoặc 5 mg khí dung. Sau đó đánh giá lại tình trạng của trẻ sau dùng thuốc.

Bước 3: Nếu cơn hen vẫn không thuyên giảm thì có thể lặp lại thêm 2 lần xịt thuốc nữa cách nhau 20 phút giữa các lần. Cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có 1 trong các biểu hiện sau: trẻ bị khó thở nặng; triệu chứng không giảm ngay khi dùng thuốc cắt cơn dạng hít; thời gian thuyên giảm của triệu chứng ngắn đi giữa những lần dùng thuốc cắt cơn.

Các bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh: Trẻ cần mang theo thuốc cắt cơn dạng ống hít bên mình mọi lúc, mọi nơi dù bệnh hen đã được kiểm soát hoàn toàn hay chưa.

Chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, điều trị dự phòng tránh nguy hiểm tính mạng

Bệnh hen hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, bên cạnh thuốc cắt cơn hen cấp thì trẻ luôn cần sử dụng các loại thuốc dự phòng để giúp kiểm soát quá trình viêm mạn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách thì sẽ thường xuyên xuất hiện cơn hen cấp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Việc sử dụng bình xịt định liều (pMDI) đúng cách giúp đưa thuốc vào đường thở tốt hơn nhằm đạt hiệu quả cao trong điều trị. Trẻ có thể sử dụng bình xịt định liều đơn lẻ hoặc phối hợp với buồng đệm hoặc buồng đệm kèm mặt nạ.

Trong quá trình sử dụng thuốc cha mẹ và các con cũng được hướng dẫn cách vệ sinh buồng đệm, cách nhận biết khi bình xịt hết thuốc, các lỗi xịt thuốc sai cách cần tránh như không lắc thuốc trước mỗi lần xịt, xịt thiếu bước, hít không đúng cách để thuốc bay ra ngoài, buồng đệm tăng tĩnh điện,…để đảm bảo an toàn.

Điều dưỡng Trịnh Thị Hậu – Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cha mẹ và các bé cách xịt thuốc dự phòng hen tại nhàĐiều dưỡng Trịnh Thị Hậu – Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cha mẹ và các bé cách xịt thuốc dự phòng hen tại nhà

Với mỗi bệnh nhi bị bệnh, Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ có kế hoạch điều trị cá thể hoá, cụ thể theo từng giai đoạn, tình trạng bệnh cũng như bệnh lý đồng mắc của trẻ.

Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ để được đánh giá về chức năng hô hấp, mức độ kiểm soát hen của trẻ. Tuyệt đối không chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Đồng thời đảm bảo chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để hạn chế tối đa những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ.

ThS.BSNT Hà Phương Anh (Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi TƯ)

Theo Đời sống
"Thầy giáo" mang quân hàm xanh gieo chữ nơi rẻo cao

"Thầy giáo" mang quân hàm xanh gieo chữ nơi rẻo cao

"Thầy giáo" mang quân hàm xanh Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.
back to top