Cách điều trị bệnh đau nửa đầu Migraine

au nửa đầu Migraine là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp nhất thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não, có thể gây biến chứng thần kinh nguy hiểm tình mạng.

Biến chứng thần kinh dễ liệt người, nhồi máu não

 Đau đầu Migraine là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh (thường gây liệt nửa người, nhồi máu não, co giật). Về cơ chế bệnh sinh Migraine xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu, còn gọi là hội chứng thần kinh – mạch máu ở não và có tính chất cơn rõ rệt. Đau đầu Migraine với đặc trưng là đau nửa đầu tái diễn, thành cơn, thường khởi phát ở tuổi thiếu niên và người trẻ, hiếm gặp ở trẻ em hoặc người cao tuổi, hay gặp hơn ở nữ giới (tỉ lệ nữ/nam: 3/1).

Mức độ cơn đau từ vừa đến dữ dội, da đầu căng giật theo nhịp mạch, mỗi cơn kéo dài từ 4->72h và thường đạt cơn đau cực đại sau khởi phát khoảng 2h.  Migraine hiếm khi đau hằng ngày và tồn tại lâu dài. Lúc đau thường kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, rối loạn thị giác. Cơn đau chỉ xuất hiện một bên đầu và có tính chất thay đổi, khi bên phải khi bên trái. Đau đầu Migraine có thể khu trú mọi vị trí trên vùng sọ mặt nhưng hay gặp nhất là ở một bên thái dương. Tần số thường từ 1-2 cơn/ tuần, nếu bệnh nhân có hơn 8 cơn đau/ tháng thì nên thận trọng khi chẩn đoán là Migraine vì tần suất cơn đau đầu trong migraine ít khi nhiều như vậy.

Migraine xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng thường có xu hướng xuất hiện vào buổi sáng hoặc vào thời điểm chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Đau đầu Migraine có thể có tiền sử gia đình. Việc chẩn đoán Migraine hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa có xét nghiệm hoặc dấu ấn sinh học nào đặc hiệu để chẩn đoán kể cả chẩn đoán hình ảnh, tuy nhiên các kết quả thăm dò hình ảnh và chức năng như chụp cộng hưởng từ sọ não-mạch não, xét nghiệm dịch não tủy, điện não đồ, siêu âm Doppler hệ mạch cảnh, soi chụp các xoang vùng hàm mặt..giúp các bác sĩ loại trừ được các nguyên nhân gây đau đầu khác trước khi đi đến chẩn đoán xác định là cơn đau đầu Migraine.

Cách trị

Về điều trị Migraine, để phát huy hiệu quả các bác sĩ cần phối hợp song song 3 giải pháp:

  1. Các phương pháp điều trị chung là ngăn ngừa các yếu tố có thể gây khởi phát cơn đau: chế độ ăn uống hạn chế các chất kích thích như rượu bia thuốc lá. Chế độ giấc ngủ phù hợp tránh thức khuya hoặc rối loạn giấc ngủ. Chế độ lao động và sinh hoạt tránh căng thẳng (stress) kết hợp với thư giãn luyện tập. Điều kiện môi trường nơi ở phải có ánh sáng, oxy phù hợp và tránh nhiều tiếng động. Giáo dục cho bệnh nhân biết về tình trạng bệnh, cách dùng thuốc và cách theo dõi tiến triển của bệnh.
  2. Điều trị cắt cơn đau (điều trị giai đoạn cấp) khi đang có cơn đau: nhằm mục đích là cắt cơn đau nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tác dụng phụ, cải thiện khả năng, chức năng thần kinh cho bệnh nhân. Các nhóm thuốc đặc hiệu thường dùng: nhóm Ergotamine Tartrate hoặc nhóm Triptan có thể dùng dạng viên uống hoặc dạng tiêm (khi bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều) và cần dùng ở giai đoạn sớm mới có tác dụng tốt. Tuy nhiên, không được dùng quá liều vì thuốc này có thể dẫn đến hoại tử đầu chi, thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, thận trọng khi đang có kinh nguyệt cũng như những trường hợp nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, cần phải kết hợp với các thuốc giảm đau thông thường thuộc nhóm không Steroid và có thể kết hợp với thuốc chống nôn khi bệnh nhân nôn nhiều.
    3. điều trị dự phòng: chỉ sử dụng khi tần suất các cơn dày, ít nhất có 2 – 3 cơn mỗi tuần, các thể Migraine có biến chứng và Migraine gây trở ngại lớn đến lao động, sinh hoạt hàng ngày mặc dù đã được điều trị giai đoạn cấp. Điều trị nền với mục đích làm giảm về cường độ cũng như tần số cơn, dần dần tiến đến cắt hoàn toàn cơn và tránh tái phát cơn. Thời giai điều trị ít nhất là 2-3 tháng kể cả khi không còn cơn đau.

ThS Trần Quốc Khánh (Khoa cột sống, Bệnh viện Việt Đức)

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top