Trước thực trạng Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, nhiều quận, huyện đã trở thành "vùng xanh", nhưng một số tỉnh, thành phố vẫn "thắt chặt", yêu cầu người từ Hà Nội vào phải đi cách ly tập trung, hoặc cách ly tại nhà dài ngày, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, đó là biện pháp của các địa phương nhằm phòng chống dịch bệnh.
"Tuy nhiên, cần cân nhắc nới lỏng biện pháp cách ly với những người đi từ "vùng xanh" ở Hà Nội vào địa bàn, nhất là khi người đó đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Những trường hợp này chỉ cần theo dõi y tế tại nhà", vị lãnh đạo CDC nêu quan điểm.
Các địa phương đang có những quy định cách ly khác nhau về việc cách ly người từ Hà Nội về
Cần có hướng dẫn thống nhất
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành một hướng dẫn để các tỉnh thống nhất việc cách ly những người từ vùng dịch về địa phương.
"Đúng là đang có thực trang mỗi tỉnh, thành phố thực hiện một biện pháp khác nhau đối với người về từ Hà Nội. Để hạn chế việc này, theo tôi, Bộ Y tế cần ban hành nội dung hướng dẫn để cho các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ", vị lãnh đạo CDC Hà Nội nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi Hà Nội đã dần nới lỏng, "mở cửa" lại các hoạt động kinh tế - xã hội thì các địa phương khác cũng phải nới lỏng đối với những người Hà Nội trở về.
Bởi nếu mất 28 ngày cách ly (14 ngày tập trung, 14 ngày ở nhà) với người từ Hà Nội về, thì rất nhiều người từ Hà Nội không dám lựa chọn đi đến các tỉnh, thành phố đó, kể cả khi có công việc cần kíp. Như vậy, rất nhiều việc sẽ bị đình trệ.
"Không thể mỗi tỉnh lại có những quy định riêng như vậy. Điều này ở phương diện nào đó thì có hiệu quả trong phòng chống dịch, nhưng cũng phải tính đến bài toán phát triển kinh tế. Không thể “đóng cửa” mãi được. Cần phải nhanh chóng thực hiện việc sống chung với Covid-19", ông Thịnh nói và đề xuất, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành những tiêu chí thống nhất giữa các tỉnh trong việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.
Theo ông Thịnh, nếu những ai ở "vùng xanh" Hà Nội, đã tiêm 1 mũi vaccine trở lên (thời gian tiêm đủ 14 ngày) thì các tỉnh, thành phố cần phải rút ngắn thời gian cách ly đối với những người trở về từ Hà Nội.
"Phải phát huy vai trò vaccine trong phát triển kinh tế - xã hội chứ không chỉ riêng việc phòng chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, những người đã tiêm vaccine Covid-19 thì cũng cần phải có những biện pháp nới lỏng đối với họ, từ đó mới có thể "mở cửa" nền kinh tế", ông Thịnh nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Đừng để doanh nghiệp tỉnh ngoài vào thì như vào một quốc gia khác
Nêu câu chuyện một số địa phương ban hành "giấy phép con" cản trở đi lại của các xe vận chuyển hàng hoá, ông Thịnh cho rằng, Chính phủ giao cho các địa phương có trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên địa bàn của mình nhưng không vì thế mà địa phương đặt ra những giấy phép con, những cơ chế riêng để kiểm tra làm ách tắc lưu thông.
"Các địa phương phải thực thi chính sách một cách thống nhất, phải thực hiện số hóa một cách tối đa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh, chứ không phải là hàng nhập cũng tắc mà hàng xuất cũng tắc như thế này được", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cũng đề xuất phải có các kế hoạch để lắp đặt các trạm quét mã QR Code để tiết kiệm một cách tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Khi tài xế có chứng nhận an toàn sức khỏe, xe đủ chứng nhận về vận tải, đầy đủ giấy tờ về hàng hóa thì phải cho lưu thông qua. Như vậy mới tiết kiệm được thời gian, đỡ ách tắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng như là để phục hồi nền kinh tế.
“Doanh nghiệp của tỉnh nào cũng thế chứ đừng nghĩ mỗi doanh nghiệp của tỉnh mình thì tạo điều kiện, phải có sự bình đẳng như nhau giữa các doanh nghiệp. Chứ không phải doanh nghiệp tỉnh ngoài vào thì như vào một quốc gia khác. Doanh nghiệp tỉnh ngoài đi qua các trạm kiểm soát của tỉnh mình thì làm khó dễ người ta thì không được”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Tại Quảng Ninh, người về từ Hà Nội cũng như các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ đều phải cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày.
Nam Định tạm thời chưa có kế hoạch tiếp nhận công dân đi/về từ TP Hà Nội và khu vực có dịch khi không có việc thực sự cần thiết. Trường hợp cần thiết, thì người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phải cách ly y tế tập trung (tự trả phí) 7 ngày, sau đó tiếp tục cách ly y tế tại nhà 14 ngày. Trường hợp người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ số mũi vaccine phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, sau đó tiếp tục cách ly y tế tại nhà 14 ngày.
Hải Phòng, Hải Dương quy định với người từ "vùng xanh" của Hà Nội, cũng như từ các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 phải thực hiện nghiêm cách ly tại nhà 14 ngày.
Hà Tĩnh quy định người về từ Hà Nội mà chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly tập trung 14 ngày, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày. Người tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly tại nhà 7 ngày.
Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Yên Bái quy định người về từ Hà Nội mà chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly tại nhà 14 ngày, người tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly tại nhà 7 ngày.