Trên cơ thể chúng ta, tuyến mồ hôi phân bố khắp nơi và được chia ra hai loại tuyến, tuyến mồ hôi toàn vẹn và tuyến mồ hôi tiết mùi. Tuyến mồ hôi toàn vẹn phân bố đều trên cơ thể và chỉ bao gồm muối và nước, vì vậy không có mùi.
Trong khi đó, tuyến mồ hôi tiết mùi chủ yếu phân bố ở một số nơi trên cơ thể, như ở nách, tai ngoài và bộ phận sinh dục. Tuyến này tiết ra các chất gọi là a-xít béo không no, tạo ra mùi đặc trưng của cơ thể và khác nhau ở mỗi người.
Thông thường những mùi này không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của chúng ta. Tuy nhiên, trong trường hợp các axít béo không no sẽ bị các vi khuẩn ở bề mặt da phân hủy tạo thành các phân tử mới, và chính các phân tử phân hủy này tạo ra các mùi lạ, tạo cảm giác khó chịu cho người xung quanh và bản thân chúng ta hay còn gọi là “Hôi nách”.
Một số nguyên nhân hay gặp
-
Do thói quen ăn uống hay sinh hoạt: Những người có thói quen ăn uống cay nóng hay nhiều dầu mỡ dễ kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi. Khi tuyến mồ hôi tăng hoạt động lại kết hợp với các vi khuẩn ở bề mặt da sẽ khiến cho mùi mồ hôi trở nên khó chịu hơn. Một số người hoạt động nhiều (khi hoạt động thể thao, lao động) gây tăng tiết mồ hôi kèm theo vệ sinh không đảm bảo, cũng dễ viêm nhiễm các vi khuẩn ở bề mặt da và gây nên hôi nách.
-
Một số người khi xuất hiện hôi nách, dùng các chất khử mùi để tạm thời chặn mùi hôi, tuy nhiên, việc lạm dụng các chất khử mùi đôi khi làm diễn biễn bệnh nặng hơn.
-
Do yếu tố gia đình và bất thường ở tuyến mồ hôi: Một số trường hợp hôi nách do các bất thường ở tuyến mồ hôi và có yếu tố gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy trong số những người mắc chứng hôi nách thì có tới 50-80% các trường hợp trong gia đình cũng có người mắc.
Những ảnh hưởng của bệnh hôi nách:
Mỗi cơ thể, có một mùi đặc trưng nhất định và thường không giống nhau. Mùi cơ thể có sự khác biệt khá rõ giữa nam và nữ. Khi bị hôi nách, tuy không ảnh hưởng đến vận động của cơ thể nhưng khiến cho người bệnh không thoải mái, có mặc cảm tự ti, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý.
Rất nhiều người mắc chứng hôi nách đã tự thu hẹp các mối quan hệ xã hội, ngại giao tiếp, ngại những nơi đông người dẫn đến ảnh hưởng công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt ở những bạn nữ trẻ, nếu không được điều trị, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, gây khó khăn cho công việc và đời sống. Rất nhiều bạn nữ trong tuổi trưởng thành đã sống thu mình, khép kín, mất tự tin trong giao tiếp, thậm chí không dám đi tìm bạn đời cho mình.
Nhiều người thường tự điều trị hoặc nghe theo sự mắc bảo của người khác điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, thường không đạt được kết quả như mong muốn và có thể làm bệnh trầm trọng hơn, không ít người đã bi quan và rơi vào bế tắc. Vì vậy, người bệnh nên đi khám ở cơ sở chuyên khoa và được tư vấn chính xác.
Thực tế, hôi nách là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về nguyên nhân và các yếu tố liên quan cũng như dựa trên các kinh nghiệm của bác sỹ chuyên khoa.
Một số phương pháp điều trị hiệu quả hôi nách hiện nay:
-
Các phương pháp chữa hôi nách theo bài thuốc dân gian như dùng phèn chua, bằng chanh, khử mùi bằng mướp đắng, củ gừng… Các biện pháp này có thể khử được mùi hôi nách nhưng không loại trừ được hoàn toàn được bệnh và bệnh thường tái phát.
-
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi ở nách: Đây là phương pháp đơn giản với chi phí thấp. Phẫu thuật viên sẽ vẽ sơ đồ tuyến mồ hôi vùng nách, sau đó qua một đường rạch nhỏ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến mồ hôi với gây tê tại chỗ.
-
Đây là phương pháp có hiệu quả cao tuy nhiên cần bác sĩ có nhiều kinh nghiệm tiến hành phẫu thuật, tránh bỏ sót tuyến mồ hôi và giảm những biến chứng như tổn thương da, hay đọng dịch sau mổ. Ngày nay có sự hỗ trợ của máy nội soi, cũng giúp cho đường mổ nhỏ hơn với kết quả tương tự (tuy nhiên chi phí phẫu thuật có cao hơn so với mổ thông thường).
-
Liệu pháp laser: Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ laser, các bác sĩ chuyên khoa đã ứng dụng liệu pháp laser vào điều trị thành công bệnh hôi nách. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như điều trị nhanh, không cần phẫu thuật, không chảy máu và không để lại sẹo. Tuy nhiên, chi phí điều trị thường cao hơn so với phương pháp phẫu thuật.
-
BS Ngô Tuấn Anh (Bệnh viện TƯQĐ 108)