Các ngân hàng chủ yếu mua chéo trái phiếu của nhau

(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng tiếp tục “vô địch” về phát hành trái phiếu trong quý 2/2021. Tuy nhiên, lãi suất thấp nên trái phiếu ngân hàng không hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân, mà chủ yếu là các ngân hàng bán trái phiếu cho nhau.

Tổng giá trị Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý 2/2021 đạt 134.703 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với quý trước, đồng thời tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý, có 85 doanh nghiệp (DN) phát hành 122.005 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tăng 274,5% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 98%.

Tài chính - Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu với tỷ trọng 49,1% tổng giá trị phát hành, tương đương 66.134 tỷ đồng (cao gấp 15 lần so với quý 1/2021).

Đứng đầu là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 8.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) huy động 6.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu...

Trái phiếu ngân hàng có lãi suất phát hành khá sát với lãi suất tiền gửi nên không hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân.

Có khoảng 56.600 tỷ đồng, chiếm 83% tổng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm 2021 là kỳ hạn 2 - 3 năm, với lãi suất cố định từ 3,0 - 4,2%/năm, trả lãi hàng năm, là mức lãi suất thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6 - 6%/năm). Gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Các công ty chứng khoán đã mua hơn 38.300 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng, chiếm 57,5% tổng giá trị. Tiếp sau là các ngân hàng mua trái phiếu của nhau với 17.800 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 27% tổng giá trị phát hành trái phiếu ngân hàng. Còn lại là các tổ chức trong nước mua 10.100 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng (chiếm 15%) và nhà đầu tư cá nhân mua 2.000 tỷ đồng (chiếm 3%).

Các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài (7 - 15 năm), hầu hết có lãi suất thả nổi, năm đầu dao động từ 6,2 - 7,9%/năm. Các trái phiếu này thường kèm theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành sau 2 - 5 năm (hoặc 10 năm với trái phiếu 15 năm), nếu không thực hiện lãi suất các kỳ cuối sẽ tăng rất cao.

Theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) không được mua trái phiếu phát hành trên sơ cấp của TCTD khác. Tuy nhiên, các ngân hàng đã lách luật, để các công ty chứng khoán đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên sơ cấp sau đó bán lại cho các ngân hàng khác.

Vì vậy, từ 17/5/2021, quy định này đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021 nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên sơ cấp.

Theo Đời sống
back to top