Cùng với các địa phương ở khu vực miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế đang khẩn cấp triển khai các phương án phòng chống bão số 5 đang tiến vào đất liền. Một trong những nội dung trọng tâm là di dời người dân ở vùng thấp trũng, vùng sạt lở ven biển, ven sông suối đến nơi an toàn gắn liền với công tác phòng chống dịch bệnh.
Rút kinh nghiệm từ những đợt lụt bão trong năm 2020, cùng với sự vận động tuyên truyền hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ dân ở vùng thấp trũng, vùng sạt lở của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tự nguyện di chuyển đến nơi an toàn.
Người dân di chuyển đến nơi an toàn.
Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, nhiều thôn, xóm và các xã của địa phương này phải thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nên việc đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh ở các điểm cách ly tập trung, các điểm trú ẩn an toàn của người dân được chú trọng triển khai.
Để ứng phó với mưa bão, các công trình thi công dọc theo bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạm thời ngưng hoạt động, hầu hết tàu cá đã tập kết ở các khu neo đậu tránh trú bão, công tác đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình thủy điện, thủy lợi cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai đảm bảo an toàn vận hành, điều tiết đúng quy định khi có mưa bão xảy ra.
* Do ảnh hưởng của bão số 5, từ tối 10/9, tại huyện đảo Lý Sơn đã có mưa rất to và gió giật mạnh. Trong ngày hôm qua, để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã thông báo và duy trì liên lạc thường xuyên với tàu cá đang hoạt động trên biển, bố trí nơi neo đậu để tránh tình trạng tồn ứ, xảy ra sự cố tại bến đậu và liên tục cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến của bão số 5 cho ngư dân.
Kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tính đến thười điểm này, Quảng Ngãi đã kêu gọi hơn 1.700 tàu thuyền vào khu neo đậu. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục hỗ trợ ngư dân di chuyển và gia cố lồng bè đến nơi an toàn. Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác chống bão và chống dịch, tàu thuyền trở về tránh bão có liên quan đến yếu tố dịch tễ, đã được sắp xếp tại một khu vực riêng biệt.
* Sáng 11/9, bão số 5 đã gây mưa lớn, gió giật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ ảnh hưởng đến lưu thông của người dân. Lực lượng chức năng đang hỗ trợ ngư dân triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong Âu thuyền Thọ Quang. Trên các tuyến phố, người dân tranh thủ trước khi bão vào để chằng chống lại nhà cửa, mua sắm thêm lương thực dự trữ.
Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại khu dân cư đang được gỡ bỏ để đảm bảo an toàn trong mưa bão (Ảnh: TTXVN)
Theo thống kê, toàn thành phố Đà Nẵng có 1.242 phương tiện tàu thuyền, với 7.432 lao động, hiện phần lớn tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Dự kiến bão số 5 còn gây mưa to, gió lớn tại thành phố Đà Nẵng trong 24 - 48 giờ tiếp theo.
Cũng trong sáng 11/9, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND về ứng phó với bão, yêu cầu trước 12h ngày 11/9, các địa phương, sở ngành phải hoàn thành công tác ứng phó với bão số 5.
* Tỉnh Quảng Trị đã lên phương án di dời dân tránh bão số 5. Nếu bão ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 3, tỉnh sơ tán gần 9.000 hộ với hơn 28.000 nhân khẩu thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; trong đó ưu tiên di dời khẩn cấp trên 1.700 hộ với hơn 6.200 nhân khẩu. Nếu lũ trên báo động 3 thì toàn tỉnh cần di dời trên 14.300 hộ với hơn 53.0000 nhân khẩu; vùng xảy ra lũ ống, lũ quét cần di dời hơn 2.240 hộ với gần 9.000 nhân khẩu; vùng xảy ra sạt lở đất cần di dời hơn 1.440 với hộ với trên 6.830 nhân khẩu.
Hiện nay, tất cả 2.312 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đều đã nhận được thông tin và hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Ngoài ra tỉnh cũng đã kêu gọi 63 tàu thuyền với 417 thuyền viên của tỉnh, thành phố khác vào neo đậu, tránh trú bão nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19h ngày 10/9, học sinh nghỉ học và tạm dừng thi công các công trình từ ngày 12/9.
Các địa phương đang khẩn trương hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch hơn 4.000 ha lúa Hè Thu còn lại để tránh thiệt hại do bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi di dời dân tránh bão.