Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa phú Thọ cho biết, bệnh sỏi thận xảy ra ở đường tiết niệu, khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn, hay gặp hơn cả là tinh thể Calci. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm.
Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận.
Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Đồng thời, tại một vị trí nào đó trên đường niệu, tinh thể hoặc viên sỏi bị vướng lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi kích thước lớn hơn.
Sau đó, kích thước sỏi lớn dần, có thể làm cản trở dòng lưu thông của nước tiểu dẫn tới ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn, tại vị trí này, sẽ xảy ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng, kết tinh và hình thành thêm các loại sỏi khác nhau… phá hủy dần dần cấu trúc thận.
Khi mắc sỏi thận, chúng ta thường có triệu chứng sau:
Buồn nôn hoặc nôn
Buồn nôn và ói mửa có thể là dấu hiệu bệnh sỏi thận do thận đang bị tắc nghẽn. Khi sự tắc nghẽn ở thận xảy ra, có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, làm cho dạ dày co thắt, khó chịu và làm bạn buồn nôn và ói mửa.
Đi tiểu ra máu
Sỏi thận gây tổn thương niêm mạc đường tiết niệu sẽ làm chảy máu, khi đi tiểu ra máu bạn có thể thấy nước tiểu có màu hồng hoặc nâu. Nếu sỏi thận gây trầy xước mô, máu có thể trộn lẫn với nước tiểu. Vì vậy nếu nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu thì bạn nên đi khám bác sĩ kịp thời.
Sốt và ớn lạnh
Sốt, ớn lạnh đi kèm với các triệu chứng sỏi thận,thì có thể bạn đã bị nhiễm trùng vì sỏi thận có thể là nơi vi khuẩn dễ dàng phát triển. Đây có thể là một biến chứng nghiêm trọng do sỏi thận gây ra.
Nước tiểu đục
Khi thấy nước tiểu đục thì khả năng cao bạn đang có sỏi hoặc nằm trong nhóm đối tượng dễ bị sỏi thận – tiết niệu. Nước tiểu đục có thể do có nhiều chất cặn bã lắng đọng hoặc đang bị viêm đường tiết niệu. Nếu bị viêm đường tiết niệu thì nước tiểu đục kèm mùi hôi, còn lắng cặn thông thường thì nước tiểu sẽ không có mùi.
Đau, rát khi đi tiểu, tiểu rắt
Thông thường khi sỏi rơi xuống niệu quản hoặc từ bàng quang ra niệu đạo sẽ gây tình trạng tắc đường dẫn tiểu dẫn đến tiểu khó, buốt. Ngoài ra, viên sỏi cọ vào niêm mạc niệu quản và niệu đạo, gây đau, nóng rát khi đi tiểu. Lúc này, sỏi kích thích bàng quang và gây nên đau sỏi thận.
Vô niệu (tình trạng bạn không đi tiểu được)
Trường hợp sỏi niệu quản có thể gây ra tình trạng vô niệu một phần hoặc hoàn toàn. Vô niệu một phần do viên sỏi gây tắc một bên thận. Trường hợp hiếm gặp là sỏi khiến cả hai bên niệu quản co thắt gây vô niệu hoàn toàn. Tình huống này bạn nên đến cơ sở y tế ngay để được giải quyết kịp thời, tránh các tình huống xấu: vỡ thận hoặc suy thận cấp xảy ra.
Cơn đau quặn thận
Biểu hiện rõ ràng nhất khi bị sỏi thận cơn đau dữ dội ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới. Cơn đau khởi phát có thể xuất hiện rất đột ngột, sau khi có một hoạt động gắng sức. Sau đó thường có cường độ đau mạnh hơn.
Khi gặp triệu chứng này, người bệnh cần phải đến ngay cơ quan y tế, bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các biện pháp giảm đau tuyệt đối không được tự ý thực hiện tại nhà.
Phòng ngừa bệnh sỏi thận
· Nên uống đủ lượng nước trong 1 ngày (2-3 lít nước/ngày).
· Nước chanh là 1 sự lựa chọn tốt vì có thể giúp phòng ngừa sỏi axit uric cũng như oxalat canxi.
· Sử dụng caffeine 1 cách hợp lý.
· Hạn chế các sản phẩm làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như soda, trà đá, dâu tây, các loại hạt...
· Thực hiện ăn nhạt, cắt giảm lượng muối.
· Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol.
· Duy trì khối lượng cơ thể hợp lý.