Các bài thuốc trị đái tháo nhạt

(khoahocdoisong.vn) - Đi tiểu nhiều từ 4 – 20l/ngày mà không tăng đường huyết và không có đường trong máu là đái tháo nhạt.

Uống nhiều và tiểu nhiều

Y học dùng thuật ngữ đái tháo nhạt để chỉ một bệnh có đặc điểm là uống nhiều và tiểu nhiều. Nó khác đái tháo đường ở chỗ không có tăng đường huyết và không có đường trong nước tiểu.

Đái tháo nhạt có thể do tuyến yên bị khối u, do hậu quả của chấn thương sọ não, do ung thư di căn, thâm nhiễm, nhưng không ít trường hợp đái tháo nhạt không có nguyên nhân được xếp vào nhóm đái tháo nhạt vô căn. Bệnh nhân thường tiểu nhiều từ 4l tới 15 – 20l nước tiểu một ngày.

Tiểu cả ngày, cả đêm làm bệnh nhân mất ngủ. Nước tiểu nhạt màu, không có đường, không có protein, tỷ trọng rất thấp, uống ít chỉ làm bệnh nhân khó chịu, không giảm tiểu, tỷ trọng nước tiểu không tăng. Do tiểu nhiều, bệnh nhân rất khát và uống rất nhiều. Lượng uống vào thường phải tương đương lượng tiểu ra.

Theo y học cổ truyền, chứng đái tháo nhạt có liên quan đến phế, tỳ, vị và thận mà có thể hiểu cơ chế sinh bệnh như sau: Phế chủ khí, thông điều thủy đạo, trường hợp phế âm không đủ, phế cơ mất chức năng thăng giáng, thủy dịch trong cơ thể không được phân bổ đều mà xuống trực tiếp bàng quang dẫn đến tiểu nhiều lần và lượng nhiều.

Tỳ chủ vận hóa, tỳ khí kém chức năng vận hóa thủy dịch suy giảm, nước không giữ được trong cơ thể mà thoát xuống bàng quang ra ngoài. Mặt khác, tỳ khí kém cũng dẫn đến phế khí suy mà không thông điều được thủy đạo. Thận chủ thủy, thận khí suy thì chức năng khí hóa rối loạn, bàng quang không được chế ước nên tiểu nhiều. Sách Cảnh nhạc toàn thư có ghi: “Dương không hóa khí thì tân dịch không phân bổ trong cơ thể, thủy không có hỏa thì chỉ có giáng mà không thăng nên chảy trực tiếp vào bàng quang”.

Dựa vào triệu chứng lâm sàng mà dùng thuốc

Nguyên tắc chung điều trị bệnh đái tháo nhạt là âm hư nhưng trường hợp mắc bệnh lâu ngày có thể dẫn đến dương hư. Trên lâm sàng thường gặp các thể bệnh như sau:

Phế vị âm hư: Khát nhiều, thích uống nước lạnh, mồm lưỡi khô, tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều, lưỡi đỏ rêu vàng. Phép trị: Thanh dưỡng phế vị. Bài thuốc: Nhân sâm 8g, sinh địa 12g, thiên hoa phấn 12g, ngọc trúc 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, địa cốt bì 12g, đan sâm 12g, đan bì 12g, thạch cao 40g sắc trước, tri mẫu 10g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thận âm hư: Triệu chứng chủ yếu là khát uống nhiều, tiểu nhiều và nhiều lần, lòng bàn chân tay nóng, váng đầu mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, lưỡi đỏ. Phép trị: Tư thận dưỡng âm, thanh nhiệt sinh tân. Bài thuốc: Sinh địa 20g, sơn dược 20g, đan bì 12g, bạch linh 12g, mạch đông 12g, thiên môn đông 12g, thiên hoa phấn 12g, huyền sâm 12g, tang phiêu tiêu 10g, sơn thù nhục 12g, ngũ vị tử 4g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thận dương hư: Bệnh lâu ngày, âm hư dẫn đến dương hư, thường người mệt mỏi, sợ lạnh, uống nhiều, tiểu nhiều, sắc mặt sạm khô kém tươi nhuận, đau lưng, váng đầu, chóng mặt, lưỡi nhợt rêu dày trắng. Phép trị: Ôn bổ thận dương. Bài thuốc: Sinh địa 34g, thục địa 24g, hoài sơn 12g, nữ trinh tử 12g, đan bì 12g, bạch linh 10g, trạch tả 10g, phụ tử 6g, nhục quế 6g, đỗ trọng 15g, xương bồ 3g, tang phiêu tiêu 14g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc kinh nghiệm dùng chung cho các thể bệnh: Hà thủ ô 120g, mè đen 120g, táo đỏ 120g, sơn dược 60g, táo đen 60g, gà non một con (lông đen, bỏ lòng, ruột) làm sạch bỏ chung với thuốc vào nồi đất cho đủ nước chưng nhỏ lửa trong 8 – 12 giờ, chia nhiều lần uống nước thuốc và ăn thịt gà; mỗi tuần một con.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top